Ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa có thông báo về việc đã bán ra 3,83 triệu cổ phiếu trong ngày 20/7. Nguyên nhân của đợt bán ra lần này do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tự động bán giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay. Ước tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày, khối cổ phiếu này trị giá gần 24 tỷ đồng.
Đây cũng không phải lần đầu tiên cổ đông của HAGL bị bán giải chấp chứng khoán. Tháng 4 trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt cũng đã hai lần bán giải chấp hơn 1,2 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Thu (em trai ông Đức). Ông Thu hiện nắm 5 triệu cổ phiếu, tương đương 0,54% vốn HAGL.
Việc bán giải chấp tự động của SSI với số cổ phiếu của bầu Đức diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HAG đang có đà tăng giá tương đối mạnh 2 tuần qua từ mức dưới 5.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 6.000 đồng, trước khi giảm nhẹ 2 phiên gần đây.
Trước đó, bầu Đức cũng đã mua vào 4,8 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 8/5 đến 6/6 và mua 1 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 11/6 đến 9/7, trên tổng số 20 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó.
Sau các giao dịch này, hiện vị đại gia này còn sở hữu trực tiếp 326,7 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 35,23% vốn tại HAGL.
Nửa tháng gần đây, HAG cùng HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán khi ngược dòng thị trường tăng giá rất mạnh.
Kết phiên giao dịch ngày 20/7, bộ đôi cổ phiếu của bầu Đức được giao dịch với giá 6.190 đồng/cổ phiếu HAG và 14.700 đồng/cổ phiếu HNG, lần lượt tăng 27% và 84% so với vùng giá trước đó. Sau nhiều phiên tăng liên tiếp, gồm cả tăng trần, 2 cổ phiếu này đã bứt phá mạnh trong thời gian ngắn.
Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh hàng phiên cũng tăng vượt bậc so với trước đây. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất của HNG lên tới 5,16 triệu cổ so với chỉ 2-3 triệu trước đó, trong khi phía HAG lên tới 11,7 triệu cổ mỗi phiên, trước đây chỉ 5-6 triệu.
Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày 18/7 vừa qua, hai cổ phiếu này còn có lượng giao dịch lên tới 58 triệu đơn vị, chiếm khoảng 25% về khối lượng và 12% tổng giá trị giao dịch toàn sàn HOSE trong phiên. Đây cũng là lượng giao dịch lớn nhất của cả hai cổ phiếu này trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong đó, khối lượng HNG khớp lệnh và thỏa thuận lần lượt là 19,5 triệu và 20,4 triệu đơn vị, tổng giá trị ước tính khoảng 490 tỷ đồng.
Trước khi có đà tăng rất mạnh này, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm về chứng khoán đã xuất hiện tin đồn về một đại sẽ mua cổ phần của HNG để đầu tư. Tin đồn về thương vụ này cũng trùng với thời điểm HNG phân phối 221.688 trái phiếu chuyển đổi với giá trị trên 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, HAGL Agrico đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể chính thức liên quan đến vấn đề này.
Về phần HAGL, công ty sẽ sẽ chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản để thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ vào ngày 2/8 tới đây.
Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức cũng cho biết HAGL đang tìm kiếm đối tác đủ mạnh để đưa tập đoàn trở lại, và tin rằng giá cổ phiếu sẽ sớm tăng trở lại.
Trong năm nay, HAGL kế hoạch đạt 6.217 tỷ đồng doanh thu và thu về 200 tỷ đồng lãi trước thuế. Trong đó, phần lớn doanh thu sẽ đến từ mảng cây ăn trái, dự kiến mang lại khoảng 3.982 tỷ doanh thu, chiếm 64% tổng doanh thu toàn tập đoàn.
Riêng đối với HAGL Agrico, công ty kế hoạch đạt 3.743 tỷ đồng doanh thu thuần và 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 66%.
Công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu của NĐT mua chứng khoán có sử dụng đòn bẩy khi giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép mà NĐT chưa nộp thêm tiền vào (thỏa thuận tỷ lệ ban đầu). Thông thường, trước khi bán giải chấp, CTCK sẽ thông báo cho NĐT biết trước để họ được quyền lựa chọn. Nếu không muốn bị bán giải chấp, NĐT phải nộp thêm tiền vào tài khoản để đạt được ngưỡng an toàn tối thiểu CTCK quy định.