2 người chết do bão số 2, hàng nghìn ha lúa hoa màu bị ngập

TPO - Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng 3/8, bão số 2 đã làm 2 người chết (ở Quảng Ninh và Hoà Bình), hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hại.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chiều 2/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào các tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp, tan dần.

Báo cáo nhanh từ các địa phương cho thấy, bão số 2 và mưa lớn do hoàn lưu sau bão đã làm 1 người chết là ông Đỗ Văn Mạnh (SN 1979) do kè đổ vào lán trại ở công trường tại phường Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) và một người chưa rõ danh tính tại Hoà Bình do đi qua ngầm tràn bị lũ cuốn.

Bão cũng làm trên 2.420 ha lúa và hơn 20 ha hoa màu bị ngập úng tại Hà Tĩnh. Hiện nước đã rút hết, không ảnh hưởng đến thu hoạch.

Ngoài ra, tại Lâm Đồng mưa lớn ngày 2/8 đã làm một người bị thương, ngã đổ 10 cây xanh và sạt lở một bờ taluy đất.

Trong khi đó, ở Đắk Lắk mưa lớn từ ngày 31/7 đến 1/8 đã làm trên 930 nhà bị ngập, trên180 ha lúa, hơn 4.200 ha cây trồng bị thiệt hại, trên 17.000 gia cầm và 60 con súc bị cuốn trôi, 28 ha ao cá bị thiệt hại…Tại Cà Mau, mưa kèm dông lốc ngày 2/8 đã làm 3 nhà sập và 13 nhà tốc mái.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2 kết hợp với rãnh thấp đi qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão Hagupit ở phía Đông đảo Đài Loan, từ nay đến 5/8, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến 100-250 mm/đợt.

Ở khu vực Việt Bắc và Đông Bắc có mưa to đến rất to 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.Từ ngày 5-8/8, hội tụ gió trên cao có khả năng thiết lập ở vùng núi Bắc Bộ nên mưa lớn ở trung du và vùng núi Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 8/8.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; phát hiện, xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy.

Đặc biệt, với các điểm đê xung yếu, hồ đập bị hư hỏng, đang thi công, cần bố trí sẵn lực lượng để xử lý sự cố ngay giờ đầu.

Cùng đó, rà soát, kiểm tra phương án vận hành các hồ chứa, đặc biệt là thuỷ điện nhỏ, tránh để lặp lại tình huống xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho hạ du. Kiểm tra hệ thống kênh mương, cống, trạm bơm sẵn sàng tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, tiêu thoát nước khu vực đô thị.

MỚI - NÓNG