Kinh tế Nhật bên bờ vực suy thoái

Năm 2019, khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đạt kỷ lục 31,88 triệu, nhưng nay sụt giảm mạnh. Ảnh: Kyodonews
Năm 2019, khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đạt kỷ lục 31,88 triệu, nhưng nay sụt giảm mạnh. Ảnh: Kyodonews
TP - Nền kinh tế Nhật Bản đang thu hẹp quy mô ở tốc độ nhanh nhất trong vòng 6 năm qua khi thuế doanh thu tác động tiêu cực đến chi tiêu cá nhân và đầu tư kinh doanh. Giữa lúc đó, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đang làm tê liệt các hoạt động toàn cầu.  

Các nhà phân tích nói dịch bệnh, đang làm suy giảm sản lượng lao động và du lịch, có thể có tác động rất lớn đến Nhật Bản nếu không được khống chế trong những tháng tới.

“Rất có khả năng nền kinh tế sẽ trải qua một đợt suy thoái nữa trong quý 1/2020. Virus (corona) sẽ tàn phá du lịch nội địa và xuất khẩu, nhưng cũng tác động xấu đến tiêu dùng trong nước”, Taro Saito, nhà phân tích của viện nghiên cứu NLI nói với Reuters.

“Nếu dịch bệnh chưa được khống chế vào thời điểm diễn ra Olympic Tokyo, thiệt hại đối với nền kinh tế Nhật Bản là rất lớn”, ông nói.

GDP Nhật Bản đã sụt giảm trong quý 4/2019 so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,3%, theo các số liệu chính phủ Nhật Bản công bố hôm qua. Tốc độ sụt giảm này lớn hơn nhiều so với dự đoán.

Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ quý 2/2014, khi tiêu thụ hàng hóa của nền kinh tế Nhật Bản bị tác động mạnh do thuế doanh thu tăng vọt vào tháng 4 năm đó.

Các số liệu không mấy lạc quan xuất hiện trong lúc châu Á và đặc biệt là Đông Á đang phải vật lộn với dịch Covid-19, càng khiến nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế của Nhật Bản lớn hơn. Theo định nghĩa chung của các nhà kinh tế, suy thoái đối với một nền kinh tế là khi hai quý liên tiếp sụt giảm tốc độ tăng trưởng. Nhìn rộng ra các nước khác trong khu vực, tình hình cũng không mấy khả quan: Singapore giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm, kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm nhất trong vòng 5 năm và tốc độ tăng giá nhà ở Trung Quốc ở mức thấp nhất trong vòng gần hai năm qua.

“Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng không thể làm gì nhiều thêm nữa… Nới lỏng tiền tệ tiếp có thể gây hại, hơn là làm lợi cho nền kinh tế”.


Nhà kinh tế Takeshi Minami

Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã cảnh báo rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ trải qua đợt suy giảm trong quý 4/2019 khi thuế doanh thu tăng, các cơn bão và thực tế là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động xấu đến tiêu dùng và sản lượng kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nói cơ quan này sẽ cân nhắc việc nới lỏng tiền tệ nếu dịch coronavirus đe dọa đáng kể nền kinh tế Nhật Bản nói chung và xu hướng giá cả nói riêng, theo tường thuật của tờ Sankei hôm qua.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo này, thống đốc Kuroda nói đợt bùng phát dịch coronavirus là “sự bất ổn lớn nhất” đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện cho thấy nỗi lo lắng về sự bùng phát dịch và tác động của nó lên nền kinh tế toàn cầu khiến các nhà sản xuất Nhật Bản cảm thấy bi quan. Dịch bệnh đã khiến nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Nhật sụt giảm thê thảm.

Theo Nikkei Asian Review, chi tiêu dùng ở Nhật đã giảm 11,1% sau khi thuế doanh thu được nâng từ tháng 10/2019 từ 8 lên 10%. Cũng trong tháng 10, cơn bão Hagibis tàn phá nhiều vùng của đất nước. Chi đầu tư giảm 14,1% còn xuất khẩu giảm 0,4% do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản tỏ ra lạc quan hơn đôi chút. “Chúng ta có thể trông đợi sự cải thiện dần dần”, Yasutoshi Nishimura, bộ trưởng Tài chính và chính sách tài khóa nói sau khi các chỉ số kinh tế mới nhất được công bố và rằng tác động của việc tăng thuế không lớn như đợt tăng thuế năm 2014.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích  e ngại rằng chính phủ và ngân hàng trung ương khó có biện pháp hiệu quả để chống lại một đợt suy thoái mới. “Chính phủ đã thực hiện các bước đi để xử lý các tác động phát sinh từ đợt tăng thuế cũng như tốc độ tăng trưởng chậm lại sau khi Olympic Tokyo (dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới) kết thúc, vì thế bạn khó có thể trông đợi các biện pháp mới trên khía cạnh tài khóa”, Takeshi Minami, nhà kinh tế của viện nghiên cứu Norinchukin nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.