Người đi bộ băng qua đường ở khu vực trung tâm thủ đô Mátxcơva, Nga. (Ảnh: Reuters) |
Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác đã triển khai làn sóng trừng phạt chưa từng có nhằm vào Mátxcơva.
Nhưng sau 2 năm, số liệu cho thấy một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga đang thích ứng và phục hồi, và Mátxcơva tìm ra những cách mới để đối phó và phát triển.
Số liệu công bố đầu tháng này cho thấy nền kinh tế Nga phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái năm 2022, đạt mức tăng 3,6% trong năm 2023.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học nói rằng sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi chi tiêu quân sự cao, cùng với những nỗ lực thu hút nguồn lực cho sản xuất vũ khí và đạn dược. Vì thế, họ cho rằng điều này khiến nền kinh tế có nguy cơ bị quá nóng.
GS. Scott Lucas, một chuyên gia về chính trị quốc tế tại Viện Clinton của Đại học Dublin, nói rằng Nga đang có một nền kinh tế thời chiến.
“Lạm phát tăng, áp lực chi phí… sẽ khiến nền kinh tế khó hấp thụ trong dài hạn. Nhưng Nga vẫn tiếp tục cố gắng sản xuất ngày càng nhiều hơn nữa,” ông nói với Asia Tonight của CNA.
Dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Nga tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng tổ chức này cũng cảnh báo nền kinh tế thời chiến của Nga phải đối mặt giai đoạn khó khăn phía trước, do tình trạng di cư và thiếu hụt công nghệ.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đánh giá rằng mức tiêu dùng ở Nga vẫn ở mức thấp, trong khi kinh tế tăng trưởng nhờ chi tiêu quốc phòng.
Chi tiêu quốc phòng cao hơn thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực liên quan đến quân sự.
Đến cuối năm ngoái, kinh tế Nga đã vượt Mỹ và châu Âu về tốc độ tăng trưởng.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, thành quả kinh tế của Nga đã đánh bại các lệnh trừng phạt của phương Tây và phục hồi mạnh mẽ hơn.
Tuần trước, Mỹ áp đặt một loạt lệnh trừng phạt mới với hơn 500 các nhân và tổ chức Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đã có lo ngại rằng những công cụ tài chính mà Washington và các đồng minh sử dụng để cô lập Nga không có tác dụng.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các biện pháp trừng phạt cần có thời gian và sẽ gây tác động trong dài hạn, tấn công những thị trường trọng điểm, làm suy giảm đáng kể năng lực công nghiệp và công nghệ của Nga.
“Đây là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút. Các biện pháp trừng phạt sẽ đánh bại Nga trong 2-3 tháng tới trên mặt trận kinh tế”, GS. Lucas nói.
“Các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp máy bay của Nga, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thay thế những máy bay thiệt hại trên chiến trường. Các lệnh trừng phạt tác động đến ngành sản xuất của Nga, từ đó ảnh hưởng đến việc đưa thêm áo giáp hoặc thiết bị ra tiền tuyến”, GS. Lucas giải thích.