Dưới đây là trao đổi của phóng viên với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng để giúp nắm rõ hơn những vấn đề cần thiết khi muốn kinh doanh loại hình ăn uống.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng.
- Điều kiện cần và đủ để người dân có thể triển khai kinh doanh loại hình ăn uống gồm những gì?
- Để kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống, trước hết bạn phải lựa chọn loại hình hoạt động cho cơ sở kinh doanh của mình theo hình thức doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể. Nếu thành lập doanh nghiệp thì thủ tục tiến hành tại Sở Kế hoạch và đầu tư. Còn lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể thì cơ quan cấp phép là UBND cấp huyện.
Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bạn phải tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (gọi tắt là Giấy chứng nhận) theo quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Để được cấp Giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bạn phải cung cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở); Danh sách kết quả khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
- Những cơ quan chức năng nào có quyền kiểm tra cơ sở kinh doanh ăn uống?
- Nghị định 38 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm nêu tên 3 Bộ có trách nhiệm kiểm tra Nhà nước về An toàn thực phẩm là Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương.
Luật An toàn thực phẩm cũng quy định rõ, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.
Việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, Bộ Y tế có Thông tư 48 về trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra bao gồm các cơ quan như sau: Cục An toàn thực phẩm; Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện), Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trung tâm Y tế huyện; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), Trạm Y tế xã. Thông tư 48 không nhắc đến vai trò của lực lượng công an.
Về việc xử phạt vi phạm hành chính trong an toàn vệ sinh thực phẩm, Nghị định 178 đã nêu rõ các chức danh thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, trong đó có lực lượng công an. Nhưng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và lập biên bản không có nghĩa là được quyền kiểm tra độc lập về vấn đề này.
- Nếu bị xem là vi phạm trong hoạt động kinh doanh ăn uống, các cơ sở kinh doanh sẽ bị xử lý như thế nào?
- Các vi phạm và chế tài được quy định tại Nghị định 178, cụ thể các nhóm vi phạm là: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cửa hàng ăn uống; Vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong từng nhóm có rất nhiều hành vi, tùy theo hành vi, tính chất, mức độ sẽ có mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.
Ngoài ra, trong hoạt động kinh doanh nói chung trong đó có kinh doanh ăn uống, khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định, hoặc kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký thì sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp chưa xoá án tích mà người kinh doanh tái phạm thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/7 năm nay đã bỏ tội Kinh doanh trái phép này.
- Nếu chủ cơ sở kinh doanh có khiếu nại thì cơ quan nào sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ?
- Hiện chưa có một tổ chức nào có tên gọi hay chức năng để bảo vệ người kinh doanh cả. Tuy nhiên, họ có thể tham gia các hiệp hội ngành nghề để được hỗ trợ, tư vấn và bảo vệ khi có rủi ro.
Để bảo vệ mình, trước hết người kinh doanh phải trang bị kiến thức pháp lý. Theo đó, trước khi quyết định đầu tư, họ cần tìm hiểu pháp luật liên quan đến ngành nghề dự định đầu tư. Kinh doanh dịch vụ ăn uống trong hoàn cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động thì rủi ro rất cao. Cách tốt nhất trước khi bước vào kinh doanh bạn hãy chuẩn bị thật tốt các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà pháp luật quy định. Chuẩn bị tốt là chấp hành pháp luật tốt và cũng đồng nghĩa với việc hạn chế được rủi ro kinh doanh và nâng cao uy tín cơ sở kinh doanh của mình.
Thông tư liên tịch số 13 của liên bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương liên quan đến việc “Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm”.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố sẽ cấp cho các trường hợp gồm: Dịch vụ ăn uống do cơ quan chức năng trung ương và thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Dịch vụ ăn uống do cơ quan chức năng quận, huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng có quy mô cung cấp từ 300 suất ăn một ngày trở lên; Cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; Dịch vụ ăn uống trong các bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp; Bếp ăn tập thể, căn tin các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
UBND các quận, huyện, hoặc các cơ quan chức năng được ủy quyền sẽ cấp cho các loại hình sau: Dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do quận, huyện cấp, hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô cung cấp từ 100-300 suất ăn một ngày; Bếp ăn tập thể ở các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; Dịch vụ nấu thuê đám tiệc di động.
UBND phường, xã, thị trấn thì cấp giấy chứng nhận cho dịch vụ ăn uống có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có công suất cung cấp dưới 100 suất ăn một ngày.
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong 3 năm.