Nữ nhạc sĩ ý thức hơn ai hết, thân phận của một dòng nhạc đứng bên lề nền công nghiệp giải trí và chưa có được sự hỗ trợ từ các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, giáo dục chính thống.
Có lần, trả lời phỏng vấn, Kim Ngọc thổ lộ toàn bộ con người mình đã rung chuyển khi nghe Uyên Linh hát “Chỉ là giấc mơ”. Dường như Linh “cảm” được tâm thế hoang hoải nhưng trong veo đến thuần khiết khi đợi chờ tình yêu của người con gái trong bài ca. Kim Ngọc bỗng gặp lại chính mình của thời tình yêu “mơ hồ như khói thuốc”, vốn đã lạc mất đâu đó trong cuộn chảy thời gian.
Đâu chỉ có “Chỉ là giấc mơ”, thập niên 90 của thế kỉ trước, Kim Ngọc có nhiều ca khúc được các diva Việt thu âm mà cảm xúc luôn có sự bắc cầu, từ nghệ sĩ sáng tác, thẩm thấu đến ca sĩ và lay động con tim khán giả.
Với nhạc pop, Kim Ngọc đã có những đồng cảm và đồng vọng. Nhưng ngôn ngữ nhạc nhẹ không đeo đẳng cô như một duyên nghề tiền định, hay nói đúng hơn, chủ tâm, Ngọc đã không đeo đuổi nó.
Chuyến du học tại môi trường âm nhạc hàng đầu thế giới, Đại học Cologne (Đức) trở thành bước ngoặt để cô định hình và khẳng định bản thân trong âm nhạc thể nghiệm.
Tồn tại dưới nhiều hình thái: music-theater (âm nhạc- nhà hát), trình diễn ngẫu hứng, nghệ thuật sắp đặt âm thanh,...tinh thần nhạc thể nghiệm là sự tương tác giữa các loại hình nghệ thuật, giữa nhiều chất liệu trong một tác phẩm.
Trong cuộc phiêu lưu không câu nệ hình thức, định dạng và không rào cản sáng tạo ấy, Kim Ngọc tìm được chính mình và được là chính mình. Mang âm nhạc thể nghiệm về Việt Nam, Kim Ngọc chọn một hướng đi hẹp, hẹp hơn rất nhiều so với nhạc pop- dòng nhạc từng làm nên tên tuổi cô để tiếp cận công chúng. Hành trình tìm vị thế cho nhạc thể nghiệm tại Việt Nam của Ngọc là một hành trình lẻ loi.
Bình thản thừa nhận nhạc thể nghiệm chưa có được lượng khán giả đông đảo như nhạc pop, rock,... nhưng trong xác tín của riêng mình, Kim Ngọc khẳng định: “không có thứ nghệ thuật nào dành cho tất cả mọi người” và cô hướng đến đối tượng khán giả có nền tảng văn hóa, tư duy cởi mở.
Kim Ngọc là một điệu hồn riêng trong mạch chảy âm nhạc Việt, điệu hồn ấy tìm kiếm những hồn đồng điệu hoặc chí ít là đồng vọng. Cô hoàn toàn chủ động trong việc xác lập nền tảng để nhạc thể nghiệm cộng hưởng với những ngã thể khác.
Năm 2012, Kim Ngọc sáng lập Trung tâm Âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm. Đom Đóm có một chiến lược phát triển rõ ràng trên thế “kiềng ba chân”: giáo dục, không gian sáng tạo và phát triển khán giả. Đây là nơi duy nhất hiện nay tại Việt Nam đào tạo về âm nhạc thể nghiệm, và cũng là nơi các nghệ sĩ thể nghiệm gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu tác phẩm. Tại Đom Đóm đã, đang hình thành một thế hệ nghệ sĩ “đồng điệu” với Kim Ngọc. Không chỉ phát triển nghệ sĩ và không gian hoạt động của họ, Đom Đóm chú trọng đến “khán giả”. Thiếu yếu tố này thì không thể tồn tại một đời sống âm nhạc. Trong năm vừa qua, “Phát triển khán giả” được mở màn với chương trình “Nhà báo và âm nhạc”. Với vai trò trung gian, nhà báo là cây cầu nối kết giữa nghệ sĩ và khán giả, đưa âm nhạc thể nghiệm đến gần khán giả hơn.
Cũng trong năm qua, Liên hoan Nhạc mới Hà Nội được tổ chức, đây là liên hoan âm nhạc thể nghiệm lần đầu tiên ở Việt Nam. Quy tụ khoảng 50 nhạc sĩ và nghệ sĩ đến từ 8 quốc gia, Liên hoan Nhạc mới là đại tiệc trình diễn những tác phẩm quốc tế nổi bật và những tác phẩm lần đầu tiên được công bố của các tác giả trong nước.
Không chiếm giữ những không gian tổ chức quá rộng lớn nhưng các buổi biểu diễn luôn có một số lượng khán giả nhất định. Với vai trò người sáng lập và giám đốc nghệ thuật của liên hoan, Kim Ngọc khát khao thay đổi thực trạng vô hình của âm nhạc thể nghiệm ở Việt Nam.
Hiện tại, Kim Ngọc tự nhận dòng nhạc mới mẻ này là “món ăn tinh thần” của một nhóm thiểu số người. Món ăn tinh thần ấy vẫn đang bền bỉ phát triển góp phần đa dạng nền văn hóa Việt. Kim Ngọc kiên tâm đặt và xây những viên gạch đầu tiên cho âm nhạc thể nghiệm Việt . Đó không chỉ là câu chuyện của văn hóa và tài năng. Đó còn là câu chuyện của bản lĩnh.
Trần Kim Ngọc là con gái của cố nhạc sĩ Trần Ngọc Xương. Cô tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội. Năm 1994, Kim Ngọc đoạt giải sáng tác âm nhạc đương đại Paris. Năm 1995, khi mới 21 tuổi, cô trở thành thành viên Hội Nữ nhạc sĩ quốc tế.