Kim cương ở hành tinh khác có giống kim cương Trái Đất?

Kim cương ở hành tinh khác có giống kim cương Trái Đất?
TPO - Các nhà nghiên cứu cho rằng kim cương có thể tồn tại trên sao Thổ, sao Mộc, sao Hải Vương và Thiên Vương.

>Có hàng tỷ hành tinh giống Trái Đất

Kim cương ở hành tinh khác có giống kim cương Trái Đất? ảnh 1

Mona Delitsky – Kỹ sư của Pasadena và Kevin Baines – nhà nghiên cứu của Đại học Wisconsin trong nghiên cứu mới nhất của mình, cho rằng: Bầu khí quyển của các hành tinh khác như sao Thổ, sao Mộc, Hải Vương và Thiên Vương có nhiệt độ và áp suất hoàn hảo để lưu trữ carbon ở dạng kim cương.

Nghiên cứu này được trình bày tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Thiên văn tại Denver. Quan điểm này không gây ngạc nhiên vì trước đó đã có nghiên cứu chỉ ra kim cương có thể tồn tại trên sao Hải Vương và Thiên Vương. Delitsky và Baines bổ sung cho nghiên cứu trước đây bằng việc tính toán và đưa ra các dữ liệu chứng minh sao Thổ và sao Mộc cũng có thể đang dự trữ kim cương.

Delitsky nói: “Kim cương có thể tồn tại ở những hành tinh này mặc dù trông chúng có thể đục hơn so với kim cương ở Trái Đất. Ngoài ra các loạt đá quý mờ phổ biến trên Trái Đất cũng có thể hiện diện ở các hành tinh này”.

Nhưng các giả thuyết này chưa chứng minh được gì nhiều hơn ngoài những bằng chứng về bầu khí quyển. Và dưới đây là quá trình hình thành và các điều kiện để hình thành kim cương.

Các giai đoạn của carbon

Quay trở lại với các lớp học hóa học, chúng ta đều biết rằng mỗi chất khác nhau có tính chất vật lý và hóa học nhất định ở nhiệt độ và áp suất nhất định. Ví dụ, nước đóng băng ở 0 độ C và bốc hơi ở 100 độ C với áp suất trên Trái Đất. Carbon có nhiều dạng thức tồn tại ở thể rắn.

Ở nhiệt độ và áp suất thấp, carbon là chất ổn định như than chì như ruột bút chì. Để hình thành kim cương thì cần điều kiện đặc biệt hơn. Kim cương có tính chất hóa học giống hệt than chì nhưng liên kết giữa các phân tử chặt chẽ hơn nhiều. Và tất nhiên, kim cương đẹp hơn và lấp lánh hơn than.

Các nhà khoa học đã tìm thấy carbon ở dạng khí metan được tìm thấy trong bầu khí quyển của sao Thổ, sao Mộc, sao Hải Vương và Thiên Vương. Một phân tử khí metan bao gồm một nguyên tử carbon bao quanh bởi bốn nguyên tử hydro.

Những phân tử khí metan này có khả năng chuyển đổi thành nguyên tố carbon ở nhiệt độ và áp suất phù hợp. Gần đây, các thí nghiệm sóng xung kích mô phỏng điều kiện khắc nghiệt trên các hành tinh khác và chỉ ra ranh giới nhiệt độ và áp suất hình thành nên các dạng thức khác nhau của carbon.

Delitsky và Baines đã kết hợp những khám phá mới nhất của mình với các kiến thức về nhiệt độ và áp lực nội tại bên trong của các hành tinh để chứng minh quan điểm của mình.

Kim cương có thực sự tồn tại ở các hành tinh này và làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy kim cương?

Đây là những lời chất vấn và hoài nghi đặt ra cho những nhà khoa học khi công bố kết quả nghiên cứu. Ngay cả những nhà khoa học khác cũng tỏ ý hoài nghi.

Ông Tristan Guillot – nhà nghiên cứu hành tinh tại Observatoire de la Cote d'Azur, chia sẻ : “Đây là loại nghiên cứu cho thấy chúng ta vẫn còn xa thiếu hiểu biết thành phần và cấu trúc của sao Mộc và sao Thổ, hai hành tinh đó tương ứng khoảng 300 và 100 lần khối lượng Trái Đất.

Nếu kim cương thực sự tồn tại ở đây, kích thước cũng k thể lớn bởi lẽ cấu trúc carbon lớp ngoài của kim cương sẽ bị suy yếu và bẻ gãy nhanh chóng”.

Peter Read – Giáo sư vật lý tại Đại học Oxford cho rằng: Carbon dưới dạng kim cương có thể tồn tại ở sao Thổ và sao Mộc nhưng kim cương ở đây có giống kim cương trên Trái Đất hay không lại là chuyện khác.

Nó có thể là những đám mây kim cương đặc hoặc nếu có kim cương ở dạng mà chúng ta vẫn thường thấy trên Trái Đất, sẽ cần nhiệt độ và áp suất gấp một triệu lần so với Trái Đất.

Và câu hỏi đặt ra là: Liệu các robot khai thác khoáng sản có thể chịu được áp lực và nhiệt độ như vậy? Làm thế nào để trang bị cho các tàu vũ trụ.

Các nhà khoa học sẽ phải làm việc nhiều hơn để giải được bài toán khó này và câu chuyện về những lý thuyết liên quan đến kim cương sẽ tiếp diễn trong thời gian dài sắp tới.

Phương Thảo
Theo CNN

Theo Viết
MỚI - NÓNG