Kiến tạo thể chế: Gỡ bỏ vướng mắc, thúc đẩy phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quốc hội ban hành chính sách để không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại mà còn kiến tạo thể chế, chính sách, không gian phát triển đất nước trong những năm tới. Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với PV báo Tiền Phong về vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho hay:

Trước hết, phải khẳng định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển. Điều này đã được rất nhiều nghiên cứu và ví dụ thực tiễn chứng minh. Gần đây nhất là kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Những nước này mặc dù có điều kiện tài nguyên thiên nhiên còn hạn chế nhưng với việc đầu tư cho hoàn thiện thể chế thì chỉ trong một thời gian ngắn đã có bước phát triển mạnh mẽ để vươn lên thành những nước phát triển.

Bên cạnh đó, cũng có những quốc gia mặc dù có điều kiện tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, nhưng do môi trường thể chế không phù hợp nên đã lâm vào tình trạng đói nghèo, khó khăn.

Kiến tạo thể chế: Gỡ bỏ vướng mắc, thúc đẩy phát triển ảnh 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Luật Đất đai có mối quan hệ chặt chẽ với rất nhiều các đạo luật khác trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta. Theo thống kê của Ban soạn thảo thì có tới hơn 100 văn bản có những quy định liên quan đến Luật Đất đai.

Đối với nước ta, trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những đột phá chiến lược. Thực hiện chủ trương này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khoá XV đã xem việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm “tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.

“Lần đầu tiên hoạt động lập pháp của Quốc hội được định hướng theo một kế hoạch thống nhất cho cả nhiệm kỳ dựa trên yêu cầu trong các chủ trương, đường lối của Đảng”, ông Hoàng Minh Hiếu

+ Nói về Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là dự án quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa đặc biệt không chỉ cho nhiệm kỳ này mà còn cả các nhiệm kỳ tiếp theo. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

- Ở một số khía cạnh, đã có chuyên gia nghiên cứu cho rằng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta, Luật Đất đai có vị trí quan trọng chỉ sau Hiến pháp. Việc so sánh như vậy chưa hẳn là đầy đủ vì trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn có những đạo luật cũng rất quan trọng khác, điển hình như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự….

Tuy nhiên, việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì: Đất đai là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nhưng Luật Đất đai hiện hành còn có những hạn chế, chưa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, xã hội; đất đai gắn bó rất chặt chẽ với đời sống hàng ngày của tất cả mọi người dân. Số lượng hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua đã phản ánh rất chân thực điều này.

Luật Đất đai có mối quan hệ chặt chẽ với rất nhiều các đạo luật khác trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta. Theo thống kê của Ban soạn thảo thì có tới hơn 100 văn bản có những quy định liên quan đến Luật Đất đai. Do vậy, chất lượng của việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai vào thời điểm hiện nay có tác động rất lớn tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta.

Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi nhận thấy nhận định của Chủ tịch Quốc hội là hoàn toàn chính xác và chúng tôi hy vọng rằng với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các cử tri, của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và rất nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan, chúng ta sẽ xây dựng được Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong thời gian sắp tới.

Kiến tạo thể chế: Gỡ bỏ vướng mắc, thúc đẩy phát triển ảnh 2

Các đại biểu biểu quyết thông qua các dự án luật. Ảnh: Như Ý

- Thực tế, kiến tạo thể chế được thể hiện như thế nào qua các Nghị quyết đặc thù phát triển TPHCM cũng như nhiều Nghị quyết khác đã được Quốc hội thông qua, Luật đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản… và tới đây là dự án Luật Thủ đô sửa đổi, thưa ông?

+ Trong thời gian vừa qua chúng ta đã ban hành một số nghị quyết mang tính thí điểm, tập trung vào những vấn đề chưa có tiền lệ hoặc còn có nhiều điểm còn chưa chắc chắn, chưa rõ ràng, trong đó có những nghị quyết trao cơ chế đặc thù cho một số địa phương. Chúng tôi cho rằng đây cũng là điều cần thiết để góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế đặc biệt là trong bối cảnh có sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật như hiện nay.

Qua quá trình thí điểm, những nội dung nào được thực tế khẳng định thì có thể được luật hoá, áp dụng ổn định, lâu dài. Chẳng hạn như trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có những quy định thí điểm về chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) là những chính sách rất mới, chưa có tiền lệ. Việc thí điểm áp dụng những nội dung này ở TPHCM sẽ là cơ sở để có kinh nghiệm, triển khai trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình ban hành các nghị quyết thí điểm về chính sách, cũng cần lưu ý đưa ra những tiêu chí cụ thể để xác định những vấn đề như thế nào thì cần thiết phải thí điểm, tránh việc cùng một nội dung nhưng có 2, 3 văn bản cùng điều chỉnh, tạo ra sự không thống nhất về quyền, nghĩa vụ của các đối tượng áp dụng.

Kiến tạo thể chế: Gỡ bỏ vướng mắc, thúc đẩy phát triển ảnh 3

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu

- Thưa ông, bên cạnh việc xây dựng chính sách, thực thi pháp luật có vai trò như thế nào để thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội?

+ Thể chế là khái niệm rộng, không chỉ giới hạn trong các quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật. Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã dành nhiều thời gian để hoàn thiện các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bản thân tôi cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta tới thời điểm hiện nay là tương đối đầy đủ. Điển hình là tỷ lệ các văn bản được ban hành mới đã giảm xuống rất nhiều trong thời gian gần đây.

Theo thống kê thì trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, tỷ lệ các văn bản luật được ban hành mới chỉ chiếm khoảng 30% số lượng dự án luật của Quốc hội được ban hành trong nhiệm kỳ, trong khi ở các nhiệm kỳ trước thì tỷ lệ này là khoảng 60%.

Trong bối cảnh đó, theo ý kiến của cá nhân tôi, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật cũng cần hoàn thiện các yếu tố khác cấu thành nên thể chế, đặc biệt là việc thi hành pháp luật. Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh đến hệ thống giải quyết tranh chấp. Một khi chúng ta có hệ thống giải quyết tranh chấp tốt, ít tốn kém, tạo được niềm tin cho công chúng thì sẽ kéo giảm được chi phí để vận hành nền kinh tế.

Khi đó, người dân, doanh nghiệp không phải sử dụng các công cụ khác, không chính thống để bảo vệ các quyền, lợi ích của mình, từ đó người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là những yếu tố rất tích cực để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới tôi mong rằng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục dành nhiều nỗ lực để hoàn thiện lĩnh vực này góp phần nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.