Thưa ông, thời gian qua, Cục QLTT Đắk Lắk đã đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực TMĐT như thế nào?
Tình trạng vi phạm liên quan đến lĩnh vực TMĐT đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng thường sử dụng những hình ảnh bắt mắt, có thể là hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để rao bán, quảng cáo với giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng kinh doanh cố định. Khi khách hàng hỏi mua, chúng thường chỉ nhận nhắn tin riêng; hoặc lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo để chạy quảng cáo, livestream bán sản phẩm thay vì dùng hình ảnh tĩnh như trước…
Từ đầu năm tới nay, Cục QLTT Đắk Lắk đã phát hiện 41 vụ vi phạm ở lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng TMĐT, qua đó xử phạt hành chính, tịch thu hàng hóa trên 500 triệu đồng, bao gồm hơn 700 thiết bị điện, hơn 700 sản phẩm quần áo các loại, gần 1.000 mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Lực lượng QLTT Đắk Lắk nắm bắt thông tin buôn bán qua các trang điện tử |
Điển hình, cục đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Viết Lãm (ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) hơn 215 triệu đồng về hành vi kinh doanh hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không đăng ký các loại thuế.
Khó khăn của lực lượng QLTT Đắk Lắk trong việc truy tìm các đối tượng vi phạm liên quan đến lĩnh vực TMĐT là gì, thưa ông?
Các đối tượng kinh doanh trên nền tảng TMĐT sẽ sử dụng các chiêu thức nhằm đánh lừa cơ quan chức năng. Trong khi, đây là lĩnh vực còn rất mới, anh em mất rất nhiều thời gian, công sức mới truy tìm được các đối tượng. Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi đi xác định địa chỉ cụ thể của người bán hàng online, chưa kể đến các đối tượng biết sử dụng công nghệ cao để ẩn danh trên Facebook, Zalo, hoặc khóa website, cho website ngừng hoạt động khi lực lượng chức năng đang kiểm tra. Thậm chí một số đối tượng còn cố tình chống chế, không thừa nhận mình là chủ sở hữu website.
Kế hoạch của Cục QLTT Đắk Lắk trong thời gian tới là gì?
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân sẽ tăng cao. Đây cũng là cơ hội cho các đối trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT hoạt động. Với vai trò đơn vị chủ công, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, kịp thời nắm bắt các thủ đoạn, phương thức mới để xử lý vi phạm; kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động TMĐT.
Lực lượng QLTT cần được đầu tư thêm về công nghệ để chủ động xử lý các vụ gian lận trên môi trường mạng, từng bước đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm. Chúng tôi kiến nghị các nhà quản lý yêu cầu người sử dụng các tài khoản phải đăng ký chính danh để minh bạch thông tin và quản lý chặt các tài khoản liên quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý nhà nước. Cục khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…
Cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này!
Thời gian qua, Cục QLTT đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội được người dân ghi nhận và đánh giá cao, như trao tặng vật tư, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và các lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19; Tặng sách giáo khoa cho trẻ em nghèo; Chung tay ủng hộ lực lượng QLTT TP.Hồ Chí Minh; hỗ trợ tiêu thụ hơn 177 tấn vải thiều Bắc Giang…