Kiến nghị xử lý melamine của Bộ Y tế bế tắc

Kiến nghị xử lý melamine của Bộ Y tế bế tắc
TP - Kiến nghị tái xuất và thiêu đốt các sản phẩm chứa melamine của Bộ Y tế đến nay hầu như vẫn bế tắc, trong khi tuần qua, Bộ NN&PTNT và WHO chính thức công bố giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm, điều mà Bộ Y tế né tránh.
Kiến nghị xử lý melamine của Bộ Y tế bế tắc ảnh 1

Việc Bộ Y tế không ban hành ngưỡng melamine an toàn khiến nhiều doanh nghiệp sữa trong nước lao đao. Ảnh: Phạm Yên

Việc không thừa nhận giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm đang gây thiệt hại khôn lường cho nhiều doanh nghiệp sữa trong nước.

Ngày 5/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố giới hạn melamine trong thực phẩm tại một cuộc họp các chuyên gia an toàn thực phẩm do WHO tổ chức ở Ottawa, Canada.

Theo đó, một mặt không chấp nhận bất cứ hành vi nào cố ý đưa melamine vào thực phẩm, mặt khác WHO cho rằng vẫn phải thừa nhận một lượng melamine nhất định có trong sản phẩm một cách vô ý mà khoa học hiện nay chưa giúp loại bỏ hết.

Chấp nhận được nếu lượng đó ở mức không quá 0,2 miligram/kg thể trọng trẻ em trong một ngày. Jorgen Schlundt, giám đốc phụ trách an toàn thực phẩm của WHO cho biết thêm, với người lớn thể trọng 50 kg, tiếp nhận 10 miligram melamine mỗi ngày sẽ không nguy hiểm đến sức khỏe.

Chỉ đạo một đằng, làm một nẻo

Cách xử lý bất thường của Bộ Y tế đối với melamine dường như khiến chính Bộ rơi vào bế tắc, hầu như không thực hiện được những gì mà Bộ đề xuất và đòi thực hiện bằng được, tính đến thời điểm này. Theo lộ trình, đến cuối tháng 11/2008, Bộ Y tế phải báo cáo kết quả xử lý hơn 700 tấn sữa nhiễm melamine thu hồi. Nhưng đến thời điểm này, báo cáo vẫn chưa thấy.

Còn nhớ, công văn hỏa tốc số 6937/VPCP-KGVX ngày 15/10/2008 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế “khẩn trương ban hành quy định giới hạn an toàn đối với chất melamine trong sữa và các sản phẩm sữa”.

Ngày 18/10, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp sơ kết một tháng ra quân tấn công melamine tại trụ sở Bộ với sự tham dự của đại diện nhiều bộ ngành. Tại cuộc họp, các quan chức y tế vẫn không chấp nhận “ban hành quy định giới hạn an toàn” đối với melamine.

Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Y tế, sau đó lên tiếng trên nhiều báo lớn khẳng định lập trường của Bộ Y tế. Cuối cùng, mục tiêu xử lý triệt để hơn 700 tấn sữa nhiễm melamine cũng được thông qua.

Đề nghị trong Văn bản số 1126/BC-BYT ngày 24/10/2008 của Bộ Y tế “về phương án xử lý sữa và các sản phẩm sữa có chất melamine” được chấp thuận. Đó là sẽ cho tái xuất 393 tấn sữa nhập từ Trung Quốc, còn lại sẽ đem thiêu hủy.

Hoàn toàn không có chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng như khuyến cáo của nhiều nhà khoa học và một số cơ quan công quyền để tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Đơn độc?

Quyết định không khoan nhượng trên được liên ngành triển khai thế nào? Ngày 6/11/2008, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7652/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu liên bộ khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao “theo phương án đã được thống nhất”. Công văn nói rõ, sự truyền đạt này là căn cứ vào “đề nghị của Bộ Y tế”, chứ không phải của bất cứ bộ ngành nào khác.

Cùng ngày 6/11/2008, Bộ Tài nguyên&Môi trường mới ban hành “Hướng dẫn tiêu hủy sữa melamine” do Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ký và chỉ gửi Bộ Y tế. Văn bản cũng ghi rõ ngay từ đầu, hướng dẫn thiêu đốt này được làm “theo đề nghị của Bộ Y tế”, không có dòng nào nói Bộ TN&MT đồng tình với phương án của Bộ Y tế.

Bộ TN&MT nêu danh mục 22 cơ sở trên toàn quốc có thể xử lý theo yêu cầu của Bộ Y tế. Kèm theo là một phụ lục khác dày 10 trang giải thích quá trình “tiêu diệt” melamine diễn biến ra sao nếu thực hiện theo quyết tâm của ngành y tế. Kết thúc công văn, “Bộ TN&MT xin gửi Bộ Y tế để hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện”, không thấy dòng nào hướng dẫn các sở TN&MT phối hợp thực hiện.

Đến ngày 13/11/2008, Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang gửi công văn “kính đề nghị quý Bộ chỉ đạo sở TN&MT chủ trì, phối hợp với sở y tế các tỉnh thành hướng dẫn các doanh nghiệp có sản phẩm nhiễm melamine lựa chọn và áp dụng các phương án tiêu hủy…”. Cùng ngày, ông Cao Minh Quang làm tiếp công văn chỉ đạo các sở y tế “phối hợp với các Sở TN&MT” để thực thi công vụ.

Kết cục thế nào? Đến thăm Cty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk), doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất và có số sữa nhiễm melamine bị xử lý nhiều nhất, chúng tôi thấy mọi thứ vẫn án binh bất động.

Ông Đinh Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hanoimilk, cho biết, cơ hội để tái xuất 180 tấn sữa mà Cty ông nhập từ Trung Quốc từ đầu năm 2008 là rất khó.

“Chúng tôi đã đến Đại sứ quán Trung Quốc làm việc và phía bạn trả lời dứt khoát không thể thực hiện được. Lý do là hàm lượng melamine phát hiện trong các lô sữa trên nằm dưới ngưỡng cho phép của Trung Quốc cũng như của nhiều nước khác. Hơn nữa, các doanh nghiệp Trung Quốc bán sữa cho Hanoimilk không nằm trong danh sách đen mà Chính phủ Trung Quốc liệt kê cấm sử dụng sản phẩm”.

Số sữa còn lại thuộc diện thiêu hủy, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Hanoimilk, nói doanh nghiệp sẽ không làm. “Cơ quan quản lý muốn thiêu hủy thì hãy đến mà làm. Chúng tôi kiệt quệ rồi, không thể bỏ ra một triệu đồng chi cho việc tiêu hủy mỗi tấn sữa. Thiệt hại ở Hanoimilk do Bộ Y tế không chịu ban hành ngưỡng an toàn melamine trong thực phẩm giờ đã là 42 tỷ đồng” – Ông Tuấn nói.

MỚI - NÓNG
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
TPO - Ngày 26/11 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ họp khẩn cấp sau khi Nga tấn công vào một thành phố trung tâm của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm loại vũ khí này.
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.