Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng góp ý một số quy định về chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo HoREA, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338 ngày 03/04/2023 phê duyệt "Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Trong đó đặt ra mục tiêu phát triển 428.000 căn NƠXH trong giai đoạn 2021 - 2025 và 572.000 căn trong giai đoạn 2026 - 2030, nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.
Theo HoREA, để đạt được mục tiêu phát triển 428.000 căn hộ NƠXH vào năm 2025 thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chính sách về NƠXH của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng NƠXH để hỗ trợ cho người mua, thuê mua.
HoREA kiến nghị bổ sung quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nghĩa vụ nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền bằng 20% tiền sử dụng đất của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để phát triển NƠXH của địa phương. Ảnh minh họa. |
Liên quan đến quy định về chính sách NƠXH, HoREA nhận thấy, khoản 4 Điều 26 Luật Nhà ở 2014 quy định tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, quy định này có bất cập nên khoản 1 Điều 80 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không phải dành diện tích đất ở trong phạm vi dự án để xây dựng nhà ở xã hội”.
Nhưng, Hiệp hội đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kế thừa tinh thần của khoản 4 Điều 26 Luật Nhà ở 2014 cần quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần phát triển nhà ở xã hội, thông qua việc đóng góp tài chính bằng nghĩa vụ nộp thêm khoảng 20% tiền sử dụng đất của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo HoREA, chủ đầu tư hoàn toàn không bị thiệt vì chi phí này được tính vào giá thành mà người mua nhà mới là người gánh vác khi mua nhà.
Hiệp hội đề nghị quy định khoản tiền đóng góp 20% này nộp vào Quỹ phát triển đất của địa phương để cung ứng vốn cho Tổ chức phát triển quỹ đất (Trung tâm phát triển quỹ đất) để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thì phù hợp và đồng bộ với Điều 113 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cũng theo HoREA, Điều 41 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không còn quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đóng góp nghĩa vụ tài chính để phát triển nhà ở xã hội, nên rất cần thiết bổ sung để huy động thêm nguồn lực xã hội hoá từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần phát triển nhà ở xã hội trong lúc nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn.
Do đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung khoản 10 (bis) tiếp sau khoản 10 Điều 41 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như sau: “10 bis. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nghĩa vụ nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền bằng 20% tiền sử dụng đất của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để phát triển nhà ở xã hội của địa phương”.
Dữ liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2021 đến ngày 18/5/2023, cả nước mới hoàn thành 41 dự án NƠXH khu vực đô thị với khoảng 19.516 căn, chỉ đạt 4,55% kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2025 và đang triển khai thực hiện 294 dự án với khoảng 288.499 căn.