Kiện đòi heo rừng sổng chuồng
> Bắt người phụ nữ ve chai 'nhặt' được vàng tiền tỷ
> Vụ chặt 3 cây sưa nghìn tỷ: Bất ngờ với mức án 'bèo'
Người này cho rằng heo rừng của mình sổng chuồng đi lạc vào nhà người kia, còn người kia lại bảo đó là chú heo nhà mình.
Ngày 12-8, TAND TP Huế (Thừa Thiên-Huế) đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông Lê Sơn Hà ở phường Thủy Xuân (Hương Thủy, TP Huế) buộc ông Lê Đức Oánh, chủ trang trại nuôi heo phải bồi thường 24 triệu đồng vì đã… làm thịt con heo rừng của ông Lê Sơn Hà.
Bỏ đi vì bị… “cấm túc”
Ông Lê Sơn Hà trình bày nhà ông có nuôi một con heo rừng đực để làm giống, lông màu vàng nhạt, mõm dài, có hai vết trắng bên má, thân dài 1 m và nặng trên 70 kg. Giữa tháng 1-2012, hai con heo cái nhà ông đồng loạt chửa đẻ nên chú heo này đâm ra bí bách, lúc nào cũng chực nhảy xổ đi tìm bạn tình.
Tài sản lớn đối với gia đình Tại phiên tòa, bà Phùng Thị Hiền, vợ ông Hà, nước mắt ngắn dài nói: “Tôi được Hội Nông dân cho vay 30 triệu đồng. Hai vợ chồng bàn nhau mua heo rừng về nuôi để cải thiện kinh tế. Đến nay tôi vẫn chưa trả được khoản nợ này nên khi mất heo, hai vợ chồng tôi đều ăn ngủ không yên. Đối với gia đình tôi, đó là tài sản quá lớn…” |
Đến sáng 16-1-2012, con heo rừng không chịu nổi tình cảnh “cấm túc” nữa nên quyết định ủi banh chuồng để đi tìm heo cái. Khi phát hiện “chuồng không, máng trống”, ông Hà hớt hơ hớt hải đi tìm khắp nơi nhưng con heo rừng đực thì vẫn “bóng chim tăm cá”. Thế là ông đi báo công an và trưởng thôn về việc mất chú heo quý, không chỉ bằng miệng mà còn bằng văn bản hẳn hoi, đúng với trình tự luật định đàng hoàng.
Ngày 8-2-2012, ông Hà nhận được tin bà Kim Anh (trú cùng thôn) có một con heo rừng đực với đặc điểm hình dạng y chang con heo của ông nên ông phi ngay đến nơi để xem sự thể thế nào. Tại đây, bà Kim Anh cho biết đúng là trước đó có chú heo như thế xuất hiện ở nhà bà. Ông Hà chưa kịp mừng thì bà Anh đã nói tiếp rằng: “Ngày 22-1, ông Lê Đức Oánh đã đến nhận lại con heo này vì cho rằng nó là của ông ấy rồi!”
Ông Hà lại ba chân bốn cẳng đến trang trại ông Oánh để hỏi rõ sự tình nhưng ông Oánh lại không có ở trại. Hai người làm của ông Oánh xác nhận có con heo như mô tả của ông Hà thật, chỉ có điều con heo này đã bị… mần thịt mất rồi.
Chủ nói què, người làm bảo không
Đến nước này, ông Hà chỉ còn biết kêu trời và yêu cầu ông Oánh một hai phải đền heo cho mình. Ông Oánh không đồng ý nên ông Hà lại phải đến trình báo sự việc cho công an. Do công an phường từ chối giải quyết nên ngày 4-5-2012, ông Hà gửi đơn kiện đến tòa yêu cầu ông Oánh phải bồi thường giá trị con heo rừng đực cho ông với số tiền 24 triệu đồng.
Tại tòa, phía bị đơn bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng nhà mình cũng có một con heo rừng nặng trên 70 kg, lông màu vàng nhạt, mõm dài, có hai vệt trắng trên má và cũng bị… sổng chuồng. Bà Nguyễn Thị Phương, vợ ông Oánh, nói ngày 16-1 gia đình ông cũng đến Công an phường An Tây thông báo bằng miệng về việc mất heo. Ngày 21-1, Công an phường An Tây báo cho nhà bà về việc có một con heo rừng tại nhà bà Kim Anh. Ngày 22-1, nhà bà cho người đến bắt heo về. “Sáng 23-1, tôi đưa con heo trên về trại, do con heo bị què chân, tróc móng nên tôi thuê thú y đến chữa trị. Điều trị không khỏi nên nhà tôi mới làm thịt” - bà Phương trình bày.
Ông Hà cho rằng heo rừng đực rất quý hiếm nên khi bị gãy chân chủ nuôi heo không bao giờ làm thịt ngay mà phải tìm mọi cách để chữa trị, ít nhất là một tuần. Ông Lê Bá Tuấn (người trực tiếp bắt heo cho ông Oánh) cũng khẳng định con heo khi thả vào trang trại không bị què: “Heo chỉ bị trầy xước ở lưng, sau khi bôi thuốc tôi thả nó vào chuồng. Heo vẫn chạy không có biểu hiện què…”.
Bị đơn phải bồi thường
Tòa hỏi bà Phương: “Tại sao khi tòa yêu cầu cung cấp tên bác sĩ thú y chữa trị heo rừng bà lại từ chối, bởi đây là nhân chứng rất quan trọng?”. Bà Phương trả lời: “Tôi đã cắt hợp đồng làm việc với họ lâu rồi nên không biết tên tuổi, địa chỉ”. Tòa vặn: “Làm việc lâu với nhau thì bà phải nắm rõ địa chỉ và tên tuổi họ chứ?”. Bà Phương im lặng.
Ông Hà cho rằng thời điểm ông đến trại nuôi heo ông Oánh thì các con heo của ông này chỉ khoảng 30 kg, không có con heo rừng nào nặng trên 70 kg. “Như vậy, có thể khẳng định một lứa heo ông Oánh mua cùng thời điểm không có chuyện có con heo đực lại lớn nổi bật đến 70 kg. Bên cạnh đó, ông Oánh cử người đến bắt heo về trại lại đưa lồng bắt heo khoảng 50 kg, sau đó thấy không vừa mới đưa lồng lớn đến bắt. Nếu heo mình nuôi thì chắc chắn phải biết heo cân nặng bao nhiêu và cần lồng như thế nào chứ?”- ông Hà lý luận. Ngoài ra, ông Hà cho rằng heo của ông được mua có hợp đồng, có thời điểm mua rõ ràng và có giấy phép kinh doanh hẳn hoi.
Cuối cùng, tòa nhận định dựa vào biên bản kiểm tra định kỳ hằng quý (ba tháng kiểm tra một lần) của Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) tại trại ông Hà cho thấy heo của ông có ba con, một đực hai cái và có trọng lượng 60-75 kg. Quá trình phối giống, ông Hà có mất một con heo đực. Trong khi đó, qua kiểm tra tại trại ông Oánh thì không có con heo nào nặng trên 50 kg và còn đủ 10 con. Như vậy, ông Oánh không hề mất con heo nào. Hơn nữa, các nhân chứng cũng khai nhận con heo không hề bị què như vợ ông Oánh nói… Từ đó, tòa tuyên buộc ông Oánh phải bồi thường 24 triệu đồng cho ông Hà.
Theo Viết Long
Pháp luật TPHCM