Kiểm tra viên VKSND tối cao mắc bẫy tín dụng đen của đồng nghiệp

Bị cáo Phùng Mỹ Giang tại tòa.
Bị cáo Phùng Mỹ Giang tại tòa.
TPO - Bốc họ, vay lãi của đồng nghiệp trong VKSND Tối cao nên phải chịu sự đe dọa, tố cáo lên cấp trên. Nữ kiểm tra viên buộc phải đi lừa đảo của người khác để trả nợ tín dụng đen.

Bốc họ của đồng nghiệp

Ngày 7/11, TAND TP Hà Nội xét xử Phùng Mỹ Giang (SN 1974) – nguyên Kiểm tra viên Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án kinh tế, VKSND Tối cao về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo truy tố, năm 2016, Giang được các đồng nghiệp Phùng Thị Lê - cán bộ văn phòng và Trần Thị Hiệp – cán bộ Vụ 12 cho biết chị Nguyễn Thị Ngọc Bích là nhân viên hợp đồng của VKSND Tối cao có nguyện vọng thi công chức.

Dù không có khả năng, bị cáo vẫn quảng cáo có thể giúp chị Bích đỗ công chức VKSND Tối cao với giá 400 triệu đồng. Tin tưởng, chị Bích đã giao cho Giang số tiền này và bị chiếm đoạt.

Ngoài ra, Giang đã nhờ các đồng nghiệp Trần Ngọc Hướng – lái xe, Phùng Thị Hiệp và em trai chị Hiệp là Trần Văn Hiếu giới thiệu khách mua xe thanh lý của hải quan với giá rẻ.

Anh Hướng môi giới cho các anh Vũ Trần Hùng và Phạm Ngọc Tú mua xe Prado của Giang với giá 1,4 tỷ đồng trong khi giá thị trường là 2,2, tỷ đồng. Anh Hùng và Tú đã giao cho Giang 1,2 tỷ đồng và bị chiếm đoạt.

Chị Phùng Thị Hiệp và em trai Trần Văn Hiếu giới thiệu các ông Trần Thắng, Trần Văn Như mua 2 xe Prado của Giang và bị chiếm đoạt 3 tỷ đồng. Trước khi phát hiện sự việc, ông Thắng còn giao cho bị cáo thêm 900 triệu đồng để mua 1 xe Mercedes.

Tổng cộng, Phùng Mỹ Giang đã chiếm đoạt của 5 bị hại số tiền 5,5 tỷ đồng, đến nay mới khắc phục được 390 triệu đồng và hiện không còn khả năng trả nợ.

Tại tòa, bị cáo khai từng kinh doanh bất động sản với các đồng nghiệp trong VKSND Tối cao nhưng thua lỗ, phải vay tín dụng đen của họ. Ngoài ra, Giang vay của chị Hiệp và anh Hiếu khoảng 1 tỷ đồng.

Được chủ tọa yêu cầu, một cán bộ của VKSND Tối cao cho biết có cho Giang vay tiền nhiều lần nhưng không phải cho vay nặng lãi. Giang bác bỏ lời khai này, nói: “Bị cáo bốc họ… viết giấy vay 100 triệu, chị ấy chỉ đưa cho 80 triệu”.

Cũng theo bị cáo, một số đồng nghiệp nhiều lần đòi nợ, đe dọa báo cấp trên… nên Giang buộc phải lừa đảo của người khác để trả, bị cáo thực hiện hành vi này một mình, không ai giúp sức.

Liên quan nhiều cán bộ

Ngược lại, các bị hại Vũ Trần Hùng và Phạm Ngọc Tú nêu quan điểm Giang không phải người duy nhất tạo gian dối để họ mua xe nên đề nghị tòa điều tra, làm rõ thêm vụ án, xác định đường dây lừa đảo trong VKSND Tối cao nếu có.

Bị hại Trần Thắng khai, ông được anh Hiếu giới thiệu lên phòng Trần Thị Hiệp để mua xe thanh lý của hải quan. Anh Hiếu cũng đi xe CX5 và nói đây là xe hải quan bán cho giá rẻ, vừa mới lấy về.

Tại phòng làm việc của chị Trần Thị Hiệp trong VKSND Tối cao, chị Hiệp và Giang đều nói có 2 suất mua xe thanh lý giá rẻ của sếp Giang và ông Phạm Văn Khoa – chồng chị Hiệp, 1 vụ phó thuộc VKSND Tối cao.

Vì vậy, ông tin tưởng mua 1 xe Prado, 1 Mercedes và trong hợp đồng ghi rõ người bán là các chị Giang, Hiệp. Ông Thắng cho rằng mình mua xe từ Hiệp nên người này mới đưa chứng minh thư, sổ hộ khẩu cho ông; Giang chỉ đưa số tài khoản nhận tiền nên cần xử lý chị Hiệp.

Ông Trần Văn Như khai, riêng với trường hợp của ông, chị Hiệp nói có 1 xuất mua xe giá rẻ của chồng nên bán lại; Hiệp là người thỏa thuận, giao dịch với ông và Giang chỉ là “bị hại”. Anh Hiếu cũng đưa ông tới nhà Hiệp, nói Giang vừa bán được 1 xe Mercedes của hải quan thanh lý.

Chủ tọa đặt câu hỏi tại sao ông lại tin tưởng Giang? Ông Như đáp không làm việc với Giang, chỉ tin tưởng vợ chồng chị Hiệp. “Chồng chị ấy là vụ phó, tôi gặp còn sợ không dám nói chuyện… Các chị ấy mặc áo ngành, làm việc, ký kết đều trong trụ sở viện tối cao, chúng tôi là dân nên tin quá đi chứ” – ông Như nói đồng thời đề nghị tòa điều tra, xử lý chị Hiệp.

Vị chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi, tại sao bị hại không đòi nợ chị Hiệp? Ông Như trình bày, từng nhiều lần đến nhà gặp vợ chồng chị Hiệp nhưng chị Hiệp chối, nói chỉ là người làm chứng và không liên quan. Theo ông, chị Hiệp đã ký hợp đồng với tư cách người bán, hợp đồng được lập, đọc trước mặt mọi người tại VKSND Tối cao nhưng chị Hiệp yêu cầu Giang đứng tên giao dịch vì lý do tế nhị.

Luật sư của phía bị hại đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung với những người liên quan gồm chị Hiệp, anh Hiếu. Theo luật sư, chính Giang cũng khai giới thiệu xe thanh lý là suất của ông Phạm Văn Khoa – chồng chị Hiệp; khi lừa đảo được, Giang đã trả tiền cho Hiệp, Hiếu nên 2 người này hoàn toàn có động cơ giúp Giang lừa đảo.

Đồng thời, luật sư nêu quan điểm, Giang có bảng kê chi tiết đã dùng tiền lừa đảo trả nợ cho đồng nghiệp trong cơ quan nhưng công an không làm rõ, nay cần điều tra nhằm thu hồi tiền cho bị hại.

Làm án kinh tế có thể mua xe

Trước cáo buộc, các chị Trần Thị Hiệp, anh Trần Văn Hiếu, Trần Ngọc Hướng đều khẳng định không bàn bạc, tham gia lừa đảo cùng bị cáo Giang. Họ nghĩ Giang đang phụ tránh án kinh tế nên có quan hệ mua xe giá rẻ; báo chí cũng đăng tin hải quan thanh lý xe… nên giới thiệu người mua.

Trả lời luật sư, chị Hiệp nói chỉ ký vào hợp đồng mua xe với tư cách người làm chứng, bản thân không có trách nhiệm gì. Trước một loạt câu hỏi, chị Hiệp chỉ đáp: “Tôi không biết”. Vị luật sư đề nghị tòa làm rõ tại sao một kiểm tra viên của VKSND Tối cao nhưng không biết mọi thứ.

Qua xét hỏi, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng lời khai phía bị hại không có căn cứ, chỉ mình bị cáo Giang phạm tội lừa đảo với các tình tiết tăng nặng kịch khung (khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù hoặc chung thân). Tuy vậy, người giữ quyền công tố đề nghị tòa phạt Giang từ 13 – 14 năm tù vì bị cáo hoàn cảnh khó khăn, không chỗ ở, phạm tội lần đầu...

Sau nghị án, HĐXX cho rằng các bị hại không đưa được chứng cứ nên CQĐT không xử lý Hiệp, Hiếu, Hướng là đúng. Giang dùng tiền lừa đảo trả nợ cho đồng nghiệp là giao dịch dân sự đơn thuần, người nhận nợ đã chiếm hữu ngay tình nên không có căn cứ thu hồi của họ để trả cho bị hại.

Tuy vậy, cần cách ly bị cáo trong thời gian cao hơn đề nghị của kiểm sát viên nhằm giáo dục, cải tạo và phòng ngừa chung nên tòa án phạt bị cáo 18 năm tù, buộc trả lại tiền còn chiếm đoạt cho bị hại.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.