Báo cáo với tổ công tác, ông Chu Xuân Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Giao thông vận tải III thừa nhận lĩnh vực đào tạo trên sông rất nhạy cảm, trường nào cũng thế chứ không riêng gì trường này. Đặc biệt các vấn đề xảy ra bên ngoài nhà trường rất nhiều, nhà trường không thể quản lý. Tuy nhiên ông Nam khẳng định nhà trường rất chặt chẽ trong đào tạo nên khó có đất cho “cò” sinh sống.
Phó hiệu trưởng trường CĐ Giao thông vận tải III, Nguyễn Kim Cương cho rằng nếu có “cò” ở xung quanh nhà trường thì những đối tượng này chắc chắn chỉ làm giả chứng chỉ, bằng lái giả chứ không có chuyện móc nối với nhà trường để mua bán bằng vì quy trình đào tạo thi cử rất chặt chẽ. “Đối với những đối tượng “cò” bên ngoài xã hội này thì nhà trường chỉ có thể gửi công văn đến công an địa phương nhờ họ xuống nắm tình hình, điều tra thôi”, ông Cương nói.
Tổ công tác của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã cử 3 thành viên xuống khu vực mà báo Tiền Phong nêu có tình trạng “cò” mua bán bằng lái để xác minh, kiểm tra bằng cách hỏi người dân xung quanh, nhưng người dân cho rằng ở đây không có “cò”?