Kiểm toán về huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID tại 9 bộ, ngành, 32 địa phương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kiểm toán nhà nước triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ trong thời gian 45 ngày kể từ ngày 16/2/2022. Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, đây là cuộc kiểm toán chuyên đề quy mô lớn và chưa có tiền lệ.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ. Đây là cuộc kiểm toán trọng tâm năm 2022, phục vụ hoạt động giám sát và việc tham gia của KTNN vào hoạt động giám sát của Quốc hội.

Mục tiêu kiểm toán nhằm đánh giá tính khả thi, kịp thời trong việc ban hành và tuân thủ các văn bản về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực một số chính sách đối với lực lượng tuyến đầu, bệnh nhân, người lao động và chính sách an sinh xã hội; phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán tại 9 Bộ, ngành, cơ quan T.Ư gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 32 địa phương.

Nội dung kiểm toán tập trung vào việc tham mưu, ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng kết đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ.

Theo quyết định, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán trong thời gian 45 ngày, từ 16/2/2022 đến 31/3/2022. Thời kỳ được kiểm toán là năm 2020, 2021 và các thời kỳ trước sau có liên quan.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nêu, Việt Nam đã trải qua 2 năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cao điểm là năm 2021 Việt Nam rơi vào tình trạng gay go về mức độ và phạm vi ảnh hưởng của dịch. Song chúng ta đang dần vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, nguy cơ nhất để bước sang giai đoạn mới - giai đoạn “sống chung”, phục hồi và phát triển kinh tế.

“Đây là cuộc kiểm toán chuyên đề quy mô lớn và chưa có tiền lệ, nên KTNN đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo và vào cuộc từ rất sớm đồng thời huy động một lực lượng lớn các cán bộ kiểm toán viên tinh nhuệ tham gia để hoàn thành tốt nhiệm vụ. KTNN mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương ủng hộ, chia sẻ đối với hoạt động kiểm toán, coi đây là nhiệm vụ chung, thực hiện mục tiêu minh bạch, công khai các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào, cử tri cả nước cũng như yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, ông Thanh nói.

Thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ, KTNN có nhiệm vụ: Xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp; đưa ra bức tranh tổng thể về việc việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022; kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách để phục hồi kinh tế và phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.