Kiểm toán Nhà nước chuyển 20 vụ việc sang cơ quan điều tra

Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp thẩm tra báo cáo công tác của Kiểm toán nhà nước. Ảnh: QH
Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp thẩm tra báo cáo công tác của Kiểm toán nhà nước. Ảnh: QH
TPO - Thông tin trên được nêu ra ngày 8/1, khi Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.

Cơ quan kiểm toán cũng cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Nhiệm kỳ 2016- 2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; đồng thời có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Về hợp tác quốc tế, trong khuôn khổ tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao khu vực châu Á (ASOSAI), Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Hà Nội. Theo đó, Kiểm toán nhà nước là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 và Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018- 2021.

Cho ý kiến thẩm tra, các đại biểu cho rằng, một trong những kết quả nổi bật Kiểm toán nhà nước đạt được trong thời gian qua là thực hiện hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động. Đặc biệt, các chuyên đề được đánh giá cao liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, hiệu quả đầu tư công, nợ công, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, BOT...

Tuy nhiên theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, các đánh giá trong báo cáo cần được làm rõ hơn, có số liệu chứng minh hiệu quả thực tế như việc khắc phục chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của thanh tra và kiểm toán, các thủ tục kiểm toán giảm phiền hà cho đối tượng bị kiểm đạt kết quả như thế nào.

Việc kiểm soát chất lượng kiểm toán theo 5 cấp độ và 5 hình thức cho thấy Kiểm toán nhà nước rất chú trọng kiểm soát nội bộ. Vậy kết quả đạt được là gì, tác động như thế nào cũng cần được thể hiện rõ hơn.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang, trong nhiệm kỳ tới, Kiểm toán nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện 100% báo cáo tài chính của các bộ, cơ quan Trung ương và báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo đúng yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước.

Đại biểu cũng đề nghị chú trọng việc kiểm toán chuyên đề về sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, qua đó góp phần đẩy nhanh thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nước tại các doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng đề nghị, thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cần chú trọng thực hiện bảo đảm 100% quyết toán của các đại phương được kiểm toán làm cơ sở để Hội đồng nhân dân phê duyệt; lưu ý chất lượng kiểm toán hoạt động, kiểm toán tài nguyên khoáng sản môi trường, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp; phát huy cao độ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị để phục vụ hoạt động.

MỚI - NÓNG