Kiếm tiền dễ hơn chơi

Kiếm tiền dễ hơn chơi
TP - “Tôi may mắn sống được bằng nghề. Ngôi nhà ba tầng rộng gần 100m2 ở mặt phố Sơn Tây - Hà Nội, các vật dụng trong nhà đều được mua bằng tiền vẽ tranh. Thế nhưng, kiếm tiền thực ra còn dễ hơn chơi. Vì chơi thì phải học” - Họa sỹ Quách Đông Phương bộc bạch.

> Vai diễn
> Thi Thơ - rong ruổi cùng nhiếp ảnh ý tưởng

Anh dẫn luôn ví dụ một tay chơi đồ cổ, vì thiếu hiểu biết, chơi đồ gốm Tàu, mỗi lọ gốm mua với giá hàng chục ngàn đô. Sau mới biết là đồ rởm, điên quá anh ta mang ra sông Hồng đập hết. Là một họa sỹ nổi tiếng, Quách Đông Phương còn được biết đến là một người chịu chơi, biết chơi.

Họa sỹ của nhiều thú chơi

Ngôi nhà mặt phố, nhưng khi bước vào, như lạc vào một thế giới khác hẳn - tĩnh lặng và yên bình. Đó dường như là thế giới riêng của Quách Đông Phương với những lồng chim, bể cá, những pho tượng Phật, những vật dụng của làng quê, các loại loa đài và đĩa than, băng cối.

Trong thế giới này, anh dường như chẳng cần giao tiếp với bên ngoài. Anh bảo: “Tôi có thể ở lì trong nhà hàng tuần liền mà chẳng cần ra đường. Vì ở nhà, mình đầy thú vui để chơi.”

Phòng khách nhà anh khá rộng, nhưng lại khá chật vì đồ đạc bầy khắp nơi. Nếu quan sát kỹ, nó được bày biện khá ngăn nắp và có dụng ý. Những pho tượng Phật được đặt trên những chiếc hòm.

Nếu anh không nói thì tôi không biết rằng, bên trong những chiếc hòm là hàng ngàn cuộn phim anh chụp trong suốt thời kỳ anh là cán bộ xúc tiến hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Cách đây mấy năm, anh tổ chức triển lãm ảnh về những chiếc cổng làng cổ. Ít ai biết rằng, đó chỉ là những bức ảnh chụp chơi khi anh có dịp tới các làng nghề truyền thống. Anh khoe, anh đã chụp được hầu hết cổng các ngôi làng cổ ở vùng Bắc Bộ, những nơi anh đã từng đặt chân tới.

Anh kể, ngày xưa đi nhiều và đến đâu anh cũng chụp rất nhiều, mà toàn chụp bằng phim, rồi về tự tráng phim trong buồng tối. Mỗi chuyến đi, anh chụp tới 30 cuộn phim thì biết là tốn kém đến cỡ nào.

Trung bình, cứ cuối tháng anh lên hiệu ảnh Nguyên Cầu thanh toán tiền phim và tráng ảnh một lần, mỗi lần khoảng 700 đô la. Anh khoe, bao nhiêu phim ngày xưa chụp đều được lưu giữ tốt.

Có những ảnh bây giờ quí lắm, chẳng hạn như giếng làng, đường phố Hà Nội thời xưa, tàu điện leng keng, hàng nước... Mà anh bảo, hàng nước ngày xưa khác hàng nước bây giờ nhiều lắm nhá. Tư liệu nhiều là thế, nhưng anh ít khi mang ra trưng vì... ngại tìm. Anh bảo, khi nào định triển lãm thì mới tìm.

Sở dĩ, nhà anh có nhiều đồ cổ là nhờ những chuyến đi khảo sát các làng nghề và tình yêu đối với những giá trị văn hóa truyền thống. Anh bảo, nếu kể về xuất xứ, nguồn gốc của những bức tượng mà anh sở hữu sẽ là một câu chuyện rất dài.

Anh cho biết, có những món đồ cổ anh mua được rất rẻ vì người dân không biết giá trị của nó, thường bỏ đi khi xây nhà mới. Thậm chí, ngày ấy có một ngôi chùa lớn ở Văn Điển khi bị phá đi để xây, tượng bị để chỏng trơ ngoài sân.

Tiếc của, mỗi ngày đi làm, anh lại hì hụi đạp xe chở về nhà. Ấy thế nhưng, cũng có những pho tượng Phật anh phải mua với giá rất đắt, tương đương một nửa căn hộ tập thể vào những năm 90. Tính đến nay, gia tài tượng của anh có tới hàng trăm chiếc, trong đó có những bức tượng Phật hàng trăm năm tuổi.

Quách Đông Phương cũng là người có tiếng trong giới chơi đĩa than và máy quay đĩa với thâm niên hơn 30 năm. Dân chơi đĩa than thuở xưa không ai không biết tới anh bởi anh vừa biết chơi, vừa biết sửa. Không phải là người theo phong trào, anh chỉ sưu tầm những đĩa nhạc mình thích.

Vì thế, với số lượng gần 500 đĩa than không phải là nhiều, nhưng anh sở hữu nhiều chiếc đĩa khá độc và hiếm. Anh kể, ngày xưa chơi đĩa than cực lắm, phải tự mày mò sửa chữa nếu đầu đọc đĩa bị hỏng. Bây giờ cái gì hỏng, đều có thể tìm mua trên ebay, chỉ sợ không có tiền thôi.

Anh mỉa mai: “Nhiều người có tiền bây giờ lại chả có cái thú nghe này. Người ta có thể mua chai rượu vài chục triệu, uống rồi nôn ra đấy, nhưng để mua một cái đĩa than vài chục đô hay bức tranh vài trăm đô thì họ lại tiếc”.

Không chỉ chơi đĩa than, Quách Đông Phương còn rất rành các loại đầu đĩa, loa đài. Chiếc tivi nhà anh hiện có gắn hệ thống loa riêng để xem phim. Còn để nghe nhạc, anh cũng có một hệ thống riêng.

Nhà anh có cả máy quay đĩa than lẫn máy quay băng cối. Mới đây, anh tậu được đôi loa cổ cực hiếm hình cái trống. Đây là đồ thải loại của một nhà thờ kiến trúc Pháp ở Đà Nẵng sau khi tu sửa. Với kinh nghiệm của mình, anh mua về và sửa chữa đôi chút là có thể nghe ngon lành, âm thanh tuyệt đỉnh.

Bỏ cơ quan vì... được lên chức

Quách Đông Phương không biết mặt cha vì cha anh là liệt sỹ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, anh đã có thời gian làm việc trong ngành công an theo nghiệp của dòng họ.

Thế nhưng, công việc của một anh công an khoa học hình sự, chuyên chụp ảnh các vụ án chỉ níu chân anh được hai tháng. Chính nhờ thời gian này mà anh mới biết cách chụp ảnh.

Sau khi bỏ ngành công an, phải năm năm sau anh mới tìm được việc làm khác, cán bộ ngoại thương chuyên quản lý các làng nghề Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa sang Đông Âu. Đến những năm 90, anh cũng nghỉ làm công việc của một cán bộ ngoại thương, chỉ ở nhà vẽ tranh.

Anh nói, bỏ cơ quan vì... được lên chức. Số là, hồi đó, ông giám đốc rất quí và mến phục cái tài của anh, muốn cất nhắc anh lên làm trưởng phòng.

Anh bảo: Nếu cho lên trưởng phòng là em viết đơn xin thôi việc đấy. Ông tưởng anh nói đùa, cứ đề bạt lên trưởng phòng. Thế là anh viết đơn xin thôi việc. Sau này, ông giám đốc về hưu, vẫn đến chơi với Quách Đông Phương, rồi còn mang sáo đến nhà thổi cho anh nghe. Ông ấy bảo: “Vì tao vẫn nhớ mày, trong các thằng nhân viên, tao chưa thấy thằng nào như mày”.

Quách Đông Phương chủ yếu sống bằng bán tranh cho người nước ngoài. Từ hai bàn tay trắng, anh đã mua lại căn nhà của dòng tộc từ tiền bán tranh.

Anh kể: Ngày xưa nghèo lắm, trong nhà chả có gì. Hồi sinh viên cưa gái, không dám đưa về nhà vì ngày xưa chỉ có căn phòng nhỏ bằng một nửa thế này. Tường nhà không được trát. Trong nhà chỉ có một cái bóng đèn và hai cái giường. Thậm chí, thời sinh viên cứ suốt ngày lang thang ở ký túc xá, ăn chịu, uống chịu.

Tranh của Quách Đông Phương được bán nhiều ở nước ngoài. Tính đến nay, anh đã có nhiều triển lãm cá nhân ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Thụy Sỹ, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc.

Anh bảo, thời gian gần đây, khủng hoảng kinh tế, nên thường tổ chức triển lãm theo nhóm cho đỡ tốn kém. Anh nói: “Mình hạnh phúc hơn người khác là mình kiếm được tiền bằng công việc mình yêu thích, dù là lao động quần quật”.

Ảnh: T.N.A
Ảnh: T.N.A.
 

 Có những người bỏ hàng nửa triệu đô để mua bộ dàn, nhưng rất tiếc họ lại chả có tai nghe, toàn nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng với Hồ Ngọc Hà… thì mua làm gì cho nó phí”. 

Họa sỹ Quách Đông Phương

Sẽ làm triển lãm 1.000 khuôn mặt người Mông

Tượng phật trong nhà họa sỹ Quách Đông Phương
Tượng phật trong nhà họa sỹ Quách Đông Phương.

Có vẻ như, anh có cái nhìn hơi tiêu cực về thế giới bên ngoài. Anh bảo: “ Ra đường làm gì khi lúc nào cũng đông đúc, toàn người là người với đầy những toan tính mưu sinh.”

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng Quách Đông Phương có vẻ dị ứng với sự đông đúc, ồn ào của phố thị. Thú vui của anh là được thả hồn ở những vùng cao, sơn cước. Vì thế lúc nào chán ở nhà, anh lại lên đường đi phượt.

Có thể là lên vùng cao chơi với người dân tộc ở Hà Giang hoặc đi Lào, đi Thái. Đã có thời, anh ăn ở hàng tháng trời trên vùng cao. Chính vì vậy, anh có một gia tài tư liệu về người Mông, trong đó có khá nhiều bức ảnh chụp về cuộc sống và con người Mông.

Anh bảo: Chỉ vài năm gần đây, nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc khá nhiều. Tôi thấy tiếc quá. Tôi nhất định sẽ làm một triển lãm ảnh về người Mông với những bức ảnh chưa từng công bố.

Tranh của Quách Đông Phương thường vẽ theo trường phái con người bé nhỏ, ngụ ý con người chỉ là vật thể bé nhỏ, mong manh.

Tính đến nay, họa sỹ Quách Phương Đông đã có nhiều triển lãm tranh cá nhân ở New York, Thụ Sỹ, Pháp, Malaysia, Hàn Quốc.

Mấy năm nay, khủng hoảng nên thường tổ chức triển lãm theo nhóm. Sau triển lãm ảnh cổng làng cổ, anh đang ấp ủ một triển lãm ảnh 1.000 mặt người Mông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.