Sáng 27/2, đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016” của Quốc hội làm việc với Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức 3 đoàn giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016 tại các địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh; các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động- Thương binh và Xã hội, Nội vụ; các Tập đoàn, Tổng công ty: Dầu khí, Điện lực, Dệt may, Hàng không Việt Nam, Cao su, Sabeco, Than- Khoáng sản, Xăng dầu Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đoàn giám sát làm việc với Chính phủ sẽ bổ sung, hoàn thiện báo cáo để trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 4 tới, trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận, ra Nghị quyết giám sát vào tại Kỳ họp thứ 5, diễn ra vào tháng 5/2018.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo đoàn giám sát
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, người đứng đầu cơ quan đại diện nhà nước quản lý về tài chính, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2011- 2016.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, quy mô vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đều tăng. Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước là 1,398 triệu tỷ đồng, tăng 92,2% so với năm 2011, quy mô tổng tài sản là 3,053 triệu tỷ đồng, tăng 45,8% so với năm 2011.
Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cầm chừng, hiệu suất sử dụng vốn chưa cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới trong giai đoạn 2011- 2013. Từ giai đoạn 2014- 2015, DNNN hoạt động hiệu quả hơn, nhưng tới 31/12/2016 vẫn còn doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ.
Về cổ phần hoá, các bộ, ngành, DNNN đã chú trọng bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau cổ phần hoá và khi trở thành công ty cổ phần, công tác quản trị điều hành quản lý thông tin sau cổ phần hoá cho nhà đầu tư chiến lược đã chuyển biến đáng kể, tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, hầu hết hiệu quả hoạt động của DNNN được nâng lên.
Từ kết quả của 350 DNNN sau cổ phần hoá sau năm 2015 cho thấy, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 33%... Tiền thu được từ cổ phần hoá được quản lý chặt chẽ, thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng của quốc gia theo quy định của luật pháp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật ban hành kịp thời trong giai đoạn 2011- 2016 đã khắc phục bất cập của giai đoạn trước. Ông Nguyễn Đức Hải chỉ ra việc nhiều bộ, địa phương và DNNN đã làm tốt việc xác định cổ đông chiến lược cho DNNN, cổ phần hoá thành công nhiều DNNN, từng bước khắc phục các lỗ hổng trong xác định giá trị doanh nghiệp...
Tuy nhiên, các thành viên Uỷ ban của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều bất cập như: tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của DNNN còn cao, nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Nguyên nhân là kiểm soát nội bộ yếu và kiểm soát từ bên ngoài còn chưa theo kịp yêu cầu. Số lượng DNNN cổ phần hoá cao nhưng tỷ lệ vốn nhà nước bán ra lại thấp, xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập...