Thu hồi gặp nhiều khó khăn
Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản, cử tri nhiều tỉnh, thành gửi kiến nghị tới Thanh tra Chính phủ sau kỳ họp thứ 8. Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên cử tri tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc xử lý thu hồi tài sản sau tham nhũng đạt tỷ lệ thấp, còn thất thoát nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc thu hồi các tài sản do tham nhũng mà có để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thật sự mang lại hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân.
Trả lời cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ và đồng đều hơn. Thu hồi tài sản ngay trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng năm 2019 đạt kết quả tích cực và có sự tiến bộ rõ nét. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tăng, nhưng tỷ lệ thu hồi vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt thực tế. Đáng lưu ý, đã xuất hiện tình trạng tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.
“Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng. Mặc dù có nhiều tiến bộ so với trước nhưng đúng là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trường hợp tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Theo Thanh tra Chính phủ, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản. Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.
Kiểm soát tài sản cá nhân ở nước ngoài
Cũng liên quan vấn đề này, cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị xem xét bổ sung quy định “Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không được mở tài khoản cá nhân và mua tài sản cá nhân đặt ở nước ngoài” vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn.
Về việc này, Bộ Nội vụ cho biết, cả Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đều quy định về những việc khác mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khi sửa đổi luật, những quy định trên đều không được sửa đổi. Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, việc nghiên cứu các quy định cụ thể liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức mở tài khoản cá nhân và mua tài sản cá nhân đặt ở nước ngoài là cần thiết, nhằm góp phần có hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Chính vì vậy, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của cử tri để báo cáo các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kiến nghị thu hồi, xử lý 135.816 tỷ đồng
Trả lời cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật. Trong đó, có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỷ đồng và hơn 897 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng.