Kiểm soát quyền lực phải là tư tưởng xuyên suốt

Kiểm soát quyền lực phải là tư tưởng xuyên suốt
TP - GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội, cho rằng cần có cơ chế để bãi nhiệm, tòa án hiến pháp, luật biểu tình…

Nghiên cứu sửa đổi hiến pháp, GS.TS Trần Ngọc Đường:

Kiểm soát quyền lực phải là tư tưởng xuyên suốt

Họp BCĐ tổng kết thi hành Hiến pháp 1992
> Đẩy nhanh sửa đổi Hiến pháp

Để quyền lực không bị tha hóa

Ông lưu ý điều gì trong quá trình thảo luận nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp lần này?

Tôi thấy có một vấn đề, đó là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ được bổ sung, sửa đổi năm 2011 do ĐH Đảng toàn quốc thông qua có một điểm mới thể hiện ở nguyên tắc: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tôi cho rằng “kiểm soát quyền lực” là một tư tưởng mới và cần phải được thể chế hóa trong Hiến pháp sửa đổi lần này vì đây là đòi hỏi tự nhiên và tất nhiên của người chủ nhân dân.

Quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự thân mà là được nhân dân ủy quyền, giao quyền, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Vì vậy, nhân dân phải có quyền đòi hỏi và có nhu cầu tự nhiên và tất nhiên là phải kiểm soát được quyền lực mà mình đã giao để làm sao cho quyền lực nhà nước đó không bị biến dạng, không bị tha hóa, làm cho quyền lực đó phục vụ mình, tổ chức hoạt động trong phạm vi khuôn khổ mà mình giao, không được lạm quyền, lộng quyền.

Vậy đâu là mấu chốt để có thể kiểm soát quyền lực một cách có hiệu quả?

Tuy Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 đã thừa nhận nguyên tắc này rồi nhưng các chương về quản lý nhà nước ở phía sau như chương Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, thì không chỉ rõ cơ quan nào là cơ quan hành pháp, tư pháp hay lập pháp.

Ví dụ, Chính phủ là cơ quan hành pháp hay Chính phủ chỉ là cơ quan hành chính cao nhất, tòa án là cơ quan tư pháp hay cả Viện kiểm sát nữa là cơ quan tư pháp vì hiện nay Viện Kiểm sát lại được Hiến pháp quy định có nhiệm vụ kiểm sát các hoạt động tư pháp. Quy định như vậy thì không rõ ràng cơ quan nào là cơ quan tư pháp cả!

Vì thế, phải phân công một cách đầy đủ, minh bạch cơ quan nào là hành pháp, tư pháp thì chúng ta mới có thể kiểm soát quyền lực tốt, còn nếu phân công không rành mạch thì không có cơ sở để đánh giá, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Phải có cơ chế bãi nhiệm

Theo ông làm thế nào để tư tưởng kiểm soát quyền lực được thể hiện tốt trong Hiến pháp sửa đổi sắp tới?

Tất cả các chương đều phải xuyên suốt tư tưởng, nguyên tắc lớn này, đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát.

Cụ thể, trong nội bộ tổ chức quyền lực nhà nước phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước mà ngay Đại hội X đã đề cập là phải xây dựng cơ chế kiểm soát tính hợp hiến trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Ví dụ, hiện nay Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng Quốc hội cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội cũng có thể có trường hợp đặt ra quy định không đúng với tinh thần của Hiến pháp, nên cũng phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực này.

Rồi trong nội bộ của hành pháp cũng phải tăng cường sự kiểm soát lẫn nhau như thế nào. Hiện nay có cơ chế lập pháp giám sát hành pháp rồi nhưng tư pháp cũng chưa giám sát được hành pháp, cũng chưa có cơ chế giám sát giữa các quyền với nhau như thế nào. Bây giờ phải nghiên cứu để đặt ra cơ chế kiểm soát bên trong của bộ máy nhà nước.

Đó là cơ chế kiểm soát từ bên trong, còn cơ chế kiểm soát từ bên ngoài thì sao?

Cơ chế kiểm soát từ bên ngoài là nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị xã hội của mình kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước. Đó là việc thực hiện một cách thực chất các quyền bầu cử, bãi nhiệm, đặc biệt là hoàn thiện các quy định về bãi nhiệm đại biểu do dân bầu ra.

Hiện nay, Hiến pháp có quy định quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử nhưng chưa có các quy định cụ thể để người dân thực hiện một cách thuận lợi. Do đó, trên thực tế, người dân chưa thực hiện được quyền bãi nhiệm. Có quyền bầu cử mà không có quyền bãi nhiệm và không có cơ chế để bãi nhiệm thì bầu cử cũng chỉ mới được một nửa.

Đồng thời, thông qua các tổ chức chính trị xã hội, công dân thực hiện quyền đóng góp ý kiến phản biện đối với những quyết định quan trọng của đất nước và tăng cường phương tiện thông tin đại chúng trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là những yếu tố của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài cần phải được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Đến lúc cần tòa án hiến pháp

Để phán quyết các hành vi trái tinh thần và nội dung của Hiến pháp của các hoạt động hành pháp, tư pháp và lập pháp, theo ông, đã đến lúc cần phải có tòa bảo hiến, hay hội đồng bảo
hiến chưa?

Theo tôi là có nhu cầu lập tòa hiến pháp, để góp phần phân định lại một cách hợp lý nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong bộ máy nhà nước. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải kế thừa kinh nghiệm của nhân loại trong việc tổ chức cơ chế để phán xét hoạt động của những cơ quan trong bộ máy nhà nước trái với nội dung và tinh thần của Hiến pháp, để làm cho quyền lực của nhà nước thực sự của nhân dân, bảo vệ đến cùng lợi ích hợp pháp, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Cơ chế đó của nước ta hiện nay là cơ chế phi tập trung, giao cho tất cả các cơ quan nhà nước đều có quyền và nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhân loại lại có một cơ chế độc lập hơn, đó là một cơ quan mà có nước gọi là Tòa án Hiến pháp, có nước gọi là Hội đồng Bảo hiến, có nước giao cho Tòa án Tối cao để phán quyết các vi phạm Hiến pháp của các cơ quan nhà nước.

Làm như thế thì hữu hiệu hơn, nó vừa có cả cơ chế phi tập trung lại có cả cơ chế tập trung cho một đầu mối. Điều này góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân một cách triệt để hơn.

Ví dụ, công dân có thể kiện ra tòa án hiến pháp về việc tòa án đã áp dụng một điều khoản của một văn bản quy phạm pháp luật nào đó trái với nội dung và tinh thần của hiến pháp.

GS Trần Ngọc Đường
GS Trần Ngọc Đường .

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải kế thừa nhiều điểm của Hiến pháp năm 1946. Ông nghĩ sao?

Có nhiều điểm cần kế thừa Hiến pháp 1946, nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là người sáng lập ra Đảng ta, Nhà nước ta mà Người còn để lại hai tác pháp bất hủ cho dân tộc ta, đó là Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp năm 1946.

Hiến pháp năm 1946 có nhiều tư tưởng rất tốt có thể kế thừa, cả về nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp. Hiến pháp năm 1946 là hiến pháp theo mô hình hiến pháp truyền thống, chỉ quy định các nội dung cơ bản như chính thể, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và tổ chức quyền lực nhà nước. Kỹ thuật lập hiến ở Hiến pháp năm 1946 vừa cụ thể lại vừa khái quát, rõ ràng, minh bạch.

Vừa rồi Thủ tướng có đề xuất làm Luật Biểu tình, đây là quyền trong Hiến pháp ghi rõ từ lâu. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng, kiến nghị của Thủ tướng là phù hợp, vừa đúng thẩm quyền, vừa phù hợp với tình hình hiện nay. Bây giờ phải từng bước để các quyền cơ bản được thực hiện trong thực tế, có một số quyền Hiến pháp ghi nhận nhưng chưa có luật thành ra không có cơ sở pháp lý cụ thể để tổ chức
thực hiện.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG