Kiểm soát gắt gao, ngăn dịch COVID-19 vào nhà máy

0:00 / 0:00
0:00
Sài Gòn Food lắp vách ngăn và để người lao động ngồi giãn cách ở bếp ăn. Ảnh: Uyên Phương
Sài Gòn Food lắp vách ngăn và để người lao động ngồi giãn cách ở bếp ăn. Ảnh: Uyên Phương
TP - Cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp (DN) đang siết chặt kiểm soát dịch bệnh trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chia nhỏ để kiểm soát

Từ ngày dịch tái phát, Công ty CP Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc, TPHCM) lắp đặt lại các vách ngăn trong nhà ăn để hạn chế người lao động (NLĐ) tiếp xúc với nhau.

Công ty yêu cầu tất cả NLĐ có điện thoại thông minh cài đặt phần mềm Bluezone, luôn mở chế độ bluetooth và cử cán bộ kiểm tra, theo dõi thường xuyên.

Ông Lê Quang Vũ, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food, cho biết, đơn vị hiện có trên 2.000 NLĐ. Tất cả công nhân đến làm việc đều bắt buộc đo thân nhiệt tại cổng, đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách hơn 1 mét.

Công ty còn đặt bình khử khuẩn tại tất cả khu vực, yêu cầu cán bộ, nhân viên hạn chế di chuyển, khai báo y tế theo đường link riêng của công ty.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao Thủ Đức) cho biết, công ty đã lắp đặt lại vách ngăn trong nhà ăn; khuyến cáo công nhân không tụ tập đông người.

Sẽ tạm dừng hoạt động KCN, KCXkhông đảm bảo an toàn

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo thủ trưởng các KCN, KCX, Sở GTVT, Sở Du lịch… cần phải kích hoạt toàn bộ chỉ số phòng chống dịch ở mức độ cao nhất, đồng thời tái lập các chốt kiểm soát và các tổ để khai báo y tế tại những cửa ngõ ra vào TPHCM. Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, sẽ tạm dừng hoạt động KCN, KCX không đảm bảo an toàn.

Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt của toàn bộ hơn 40.000 NLĐ lúc vào cổng qua hệ thống camera quét thân nhiệt.

Công ty yêu cầu tất cả NLĐ đeo khẩu trang; bố trí nước rửa tay sát khuẩn tại tất cả khu vực làm việc của NLĐ như: nhà xưởng, văn phòng, nhà ăn, nhà kho... Công ty điều chỉnh thời gian vào ca hành chính, chia thành nhiều khung giờ khác nhau theo khu vực của nhà máy…

Xét nghiệm diện rộng

Bình Dương hiện có trên 1,2 triệu lao động, 31 KCN, 6 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết, khi địa phương phát hiện có ca mắc hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 liên quan NLĐ, ngành y tế lập tức lấy mẫu xét nghiệm đại trà tại các DN. Bình Dương đã lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với hàng nghìn NLĐ và đều có kết quả âm tính.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, Hepza đã thành lập đoàn công tác, phối hợp với các KCX, KCN thành phố đánh giá trực tiếp tại 12 DN có trên 1.000 lao động về tính rủi ro lây nhiễm COVID-19. Đồng thời thẩm tra kết quả tự đánh giá tại 12 DN có trên 500 lao động về tính rủi ro lây nhiễm COVID-19...; phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho NLĐ tại các KCX, KCN, khu lưu trú, tổng cộng 16.800 mẫu, tất cả đều có kết quả âm tính.

Ngưng tiếp nhận chuyên gia, người lao động ngoài tỉnh

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, địa phương ngưng tiếp nhận chuyên gia đến từ các nước như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Campuchia… Ðối với các chuyên gia nhập cảnh, phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time - PCR trong thời gian từ 3 - 7 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Sau 21 ngày hoàn thành cách ly, bắt đầu làm việc, bố trí khu vực làm việc riêng, lập danh sách theo dõi, đeo thẻ khác màu để phân biệt...

MỚI - NÓNG