> Trong tháng này ra mắt Cục Kiểm ngư
> Không để mất quyền khai thác trên biển ta
- Ngày 25/1/2013, Nghị định 102 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư sẽ có hiệu lực. Là cơ quan quản lý trực tiếp, Bộ Nông nghiệp đã chuẩn bị gì để thành lập lực lượng này?
- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì đã có từ lâu. Chức năng này được giao cho thanh tra chuyên ngành và quản lý nhà nước của ngành thủy sản, và vẫn được duy trì thường xuyên. Ở cả trung ương lẫn địa phương tàu kiểm ngư do các Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản quản lý vẫn đang hoạt động.
Trong tháng 12, Tổng cục Thủy sản phải trình Bộ trưởng Nông nghiệp tổ chức bộ máy để thành lập Cục kiểm ngư (trực thuộc Tổng cục Thủy sản). Chúng tôi đang xúc tiến việc này để bố trí bộ máy gồm lãnh đạo cục, các phòng chức năng, các chi cục vùng và ra mắt lực lượng khi nghị định có hiệu lực, ngày 25/1/2013.
- Các tàu kiểm ngư hiện có đều nhỏ, hoạt động chủ yếu ở ven bờ. Vậy việc kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển rộng tới một triệu km2 của Việt Nam được tính toán như thế nào?
- Chúng tôi rất mong muốn có tàu lớn, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ. Song, Bộ sẽ tùy vào khả năng, ngân sách và yêu cầu thực tế để đề nghị Chính phủ từng bước trang bị. Hơn nữa, lực lượng kiểm ngư mới thành lập ở tuyến trung ương, hoạt động trên các vùng biển, còn ở địa phương vẫn chưa có. Nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương vẫn giao cho thanh tra chuyên ngành.
Sau này, Bộ sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa kiểm ngư và hải quân, biên phòng, cảnh sát biển cùng các lực lượng khác để có thể huy động trong tình huống cần thiết. Chúng tôi cũng sẽ lập đường dây nóng để ngư dân liên lạc trong tình huống khẩn cấp, cần sự giúp đỡ của kiểm ngư.
- Chính quyền đảo Hải Nam (Trung Quốc) vừa ra quy định cho phép cảnh sát địa phương có quyền kiểm soát các tàu xâm phạm lãnh hải, kể cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa kể từ đầu năm 2013. Quan chức tỉnh này nói, quy định nhắm vào tàu cá Việt Nam. Ông nghĩ sao về việc này?
- Quan điểm của Bộ Nông nghiệp cũng như Tổng cục Thủy sản là những hoạt động của nước ngoài vi phạm vào vùng biển Việt Nam gây khó khăn, xâm phạm đến hoạt động của ngư dân trên vùng biển Việt Nam thì phải kiên quyết bảo vệ ngư dân. Chúng ta làm đúng quy định quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
Kiểm ngư là lực lượng dân sự, chức năng chủ yếu là kiểm tra xử lý vi phạm, thanh tra chuyên ngành thủy sản. Tuy nhiên, kiểm ngư có thể phối hợp với hải quân, biên phòng, cảnh sát biển để thi hành nhiệm vụ.
Lực lượng này đủ sức để thực thi bảo vệ luật thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phối hợp để bảo vệ ngư dân, tìm kiếm cứu nạn, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển.
Với sự ra đời của lực lượng kiểm ngư, ngư dân Việt Nam sẽ có thêm tấm "lá chắn" để an tâm đánh bắt trên vùng biển chủ quyền quốc gia. Ảnh: Trí Tín. |
- Thời gian qua, lượng lớn tàu cá Trung Quốc thâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vậy, sắp tới kiểm ngư sẽ đối phó thế nào với “đội quân” này?
- Một trong những chức năng quan trọng nhất của kiểm ngư là bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, không chỉ tàu nước ngoài, mà tàu trong nước vi phạm đến nguồn lợi thủy sản thì kiểm ngư cũng sẽ xử lý theo pháp luật.
- Để bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển thì không thể không phát triển đánh bắt xa bờ. Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ thực hiện chiến lược này ra sao?
- Tổng cục đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp tờ trình kèm đề án tổ chức lại việc khai thác thủy sản trên biển, trình Chính phủ trong tháng 12. Việc tổ chức lại nhằm giảm bớt áp lực khai thác quá mức ven bờ hiện nay; tăng cường đánh bắt xa bờ dựa trên cơ sở khoa học và phát triển bền vững.
Chúng ta phải dự báo ngư trường, có các bản đồ để hướng cho ngư dân cũng như quy hoạch số lượng tàu thuyền đối với từng vùng biển cụ thể.
Để làm được việc này, trước hết cần điều tra nguồn lợi dự báo ngư trường, sau đó tổ chức khai thác xa bờ và ven bờ theo hướng phát triển bền vững.
- Vậy những gia đình ngư dân tự đầu tư phương tiện, máy móc hoạt động ở các vùng biển xa sẽ được hỗ trợ gì?
- Chính phủ đã có những chính sách cụ thể đối với các tàu hoạt động ở vùng biển xa, góp phần khẳng định chủ quyền đất nước.
Tới đây, Bộ Nông nghiệp tiếp tục có chính sách khác như đề xuất trang bị hiện đại cho tàu cá để cảnh báo thiên tai trên biển, trao đổi thoại hai chiều, hệ thống quan sát tàu cá (dự án Movimar do Chính phủ Pháp tài trợ giúp quan sát tàu cá bằng vệ tinh triển khai bước đầu ở 3.000 tàu).
Chúng tôi cũng tính toán để lựa chọn những thiết bị vừa hiện đại vừa đáp ứng được điều kiện Việt Nam với 3 tiêu chí: chức năng báo bão tự động, thoại hai chiều trên bờ và tàu, quan sát hành trình của tàu cá trên màn hình.
Ngoài ra, còn có một số chính sách khác như tín dụng ưu đãi cho ngư dân với lãi suất thấp, khuyến khích bảo quản sau thu hoạch trên tàu để tránh thất thoát và tăng giá trị.
Hiện chất lượng thủy sản bị giảm trên 20% do bảo quản chưa tốt nên tới năm 2020 cần giảm tỷ lệ này xuống dưới 10%.
Bộ cũng khuyến khích ngư dân hình thành các nghiệp đoàn, tổ đội khai thác xa bờ, trong đó có tàu dịch vụ bảo quản.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, lực lượng kiểm ngư có chức năng thứ nhất là tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm; thứ hai là thanh ra chuyên ngành về thủy sản và xử lý theo pháp luật về thanh tra. Lực lượng chuyên trách này hoạt động thường xuyên, liên tục (khác với thanh tra chuyên ngành làm theo đợt). Cục kiểm ngư sẽ có cơ quan cục chủ quản, dưới là có 4 chi cục vùng. Trước mắt, Chi cục Kiểm ngư vùng vịnh Bắc bộ có thể hoạt động ngay trên cơ sở chuyển Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vịnh Bắc Bộ (ở Hải Phòng), hiện đã có đủ tàu bè. Theo lộ trình, năm tới lập chi cục vùng tiếp theo ở Khánh Hòa. Khi thi hành công vụ, kiểm ngư viên được sử dụng các phương tiện, công cụ hỗ trợ và các thiết bị chuyên dùng. Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được hưởng chính sách thương binh, liệt sĩ. |
Theo Nguyễn Hưng
Vnexpress