Hưng Yên:

Kiểm điểm loạt cán bộ để chủ dự án vườn Vạn Tuế 'xây chui, bán trộm' thu hàng trăm tỷ

TPO - Các cán bộ, đơn vị liên quan đến dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden (xã Phụng Công, huyện Văn Giang) do Công ty CP thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng làm chủ đầu tư đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, nếu đến mức phải kỷ luật sẽ nghiêm túc triển khai, không bao che. Đây là dự án đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ nhà máy sản xuất gạch ngói, chia lô rồi ký hợp đồng mua bán với khách hàng thu hơn 244 tỷ đồng.

Chưa biết đến bao giờ khách hàng được nhận nhà về ở

Trao đổi với PV, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết các sở, ban, ngành, UBND huyện Văn Giang, xã Phụng Công đang kiểm điểm cán bộ liên quan đến sai phạm tại dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden (xã Phụng Công, huyện Văn Giang) do Công ty CP thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư.

“Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên là yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan đến sai phạm tại dự án này phải thực hiện kiểm điểm tập thể, cá nhân những cán bộ liên quan. Căn cứ vào đó sẽ xem xét thực hiện các bước xử lý sau, nếu đến mức phải kỷ luật sẽ nghiêm túc triển khai, không bao che”, ông Cử nói.

Kiểm điểm loạt cán bộ để chủ dự án vườn Vạn Tuế 'xây chui, bán trộm' thu hàng trăm tỷ ảnh 1 Hưng Yên kiểm điểm loạt cán bộ liên quan để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden của Công ty Đại Hưng.

Theo ông Cử, đối với dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden, khi nào UBND tỉnh Hưng Yên có quyết định chủ trương đầu tư thì mới làm tiếp thủ tục cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau đó mới đến các bước tính tiền sử dụng đất, phê duyệt giá đất…

Ông Cử cũng cho rằng, để dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden được phép cho dân vào ở, cấp sổ đỏ, chắc chắn sẽ còn là chặng đường dài. “Quan điểm của tỉnh Hưng Yên đối với dự án này là phải đủ điều kiện mới tiếp tục cho triển khai”, ông Cử khẳng định.

Được biết, mới đây ông Cử đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản đối với Công ty Đại Hưng - Chủ đầu tư dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden với số tiền là 290 triệu đồng. Trong đó, phạt 40 triệu đồng do tổ chức thi công hạng mục Nhà câu lạc bộ không có giấy phép xây dựng và phạt 250 triệu đồng do tổ chức kinh doanh bất động sản (đã ký hợp đồng mua bán nhà chia lô với khách hàng) mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đưa vào kinh doanh theo quy định.

Nhưng điều đáng nói, tại quyết định này, tỉnh Hưng Yên không đưa ra yêu cầu khắc phục hậu quả hoặc giới hạn thời gian khắc phục hậu quả đối với những hành vi vi phạm của Công ty Đại Hưng.

Kiểm điểm loạt cán bộ để chủ dự án vườn Vạn Tuế 'xây chui, bán trộm' thu hàng trăm tỷ ảnh 2 Công ty Đại Hưng đã tự ý làm đường giao thông và xây chui hơn 200 biệt thự, nhà phố và ký hợp đồng mua bán với khách hàng thu hàng trăm tỷ đồng khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Như Tiền Phong thông tin, hồi 4/2020, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden đã chỉ ra loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án.

Theo đó, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương, nhưng Công ty Đại Hưng chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án; chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đã tự ý thực hiện phá dỡ toàn bộ các hạng mục của dự án “Nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel”; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng phần thô hơn 200 căn biệt thự, nhà phố và một phần hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông, cây xanh, cấp thoát nước trong khuôn viên dự án và ký hợp đồng hợp tác đầu tư, mua bán nhà ở với khách hàng thu hơn 244 tỷ đồng.

Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở ngành để xảy ra sai phạm, tồn tại tại dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden. Cụ thể, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chưa sâu sát, chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm của đơn vị. Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm nội dung theo quy định.

UBND huyện Văn Giang, xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, chưa có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm.

Quá trình biến đất lò gạch thành khu biệt thự, nhà phố

Cũng tại kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh Hưng Yên nêu rõ trình tự, thủ tục chấp thuận dự án đầu tư Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế. 

Theo đó, tháng 4/2002, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quyết định số 882 với nội dung đồng ý cấp giấy chứng nhận cho Công ty CP vật liệu xây dựng Văn Giang thuê khu đất diện tích 50.743m2 địa bàn xã Phụng Công (huyện Văn Giang) để thực hiện dự án “Nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel” với thời gian hoạt động 50 năm.

Kiểm điểm loạt cán bộ để chủ dự án vườn Vạn Tuế 'xây chui, bán trộm' thu hàng trăm tỷ ảnh 3 Từ khu đất nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel, Công ty Đại Hưng hô biến thành dự án bất động sản với hơn 200 căn biệt thự, nhà phố.

Trong quá trình triển khai dư án, Công ty CP vật liệu xây dựng Văn Giang đã thực hiện đổi tên doanh nghiệp thành Công ty Đại Hưng và đồng thời tăng vốn đầu tư dự án.   

Đến tháng 2/2016, tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định về chủ trương đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất gạch ngói Tuynel” cho Công ty Đại Hưng. Dự án có tổng vốn đầu tư là 30,2 tỷ đồng, công suất là 15 triệu viên/năm.

Điều đáng chú ý, chỉ sau chưa đầy 4 tháng làm chủ dự án "Nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel", Công ty Đại Hưng có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch ngói trên sang mục đích thực hiện dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế.

Sau đó, cuối tháng 11/2016, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch tỉnh đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư của Công ty Đại Hưng trên địa bàn xã Phụng Công với mục tiêu đầu tư xây dựng Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế.

Sau khi được được tỉnh đồng ý về mặt chủ trương, Công ty Đại Hưng liên tiếp xin điều chỉnh mục tiêu, quy mô và mở rộng diện tích thực hiện dự án.

Kiểm điểm loạt cán bộ để chủ dự án vườn Vạn Tuế 'xây chui, bán trộm' thu hàng trăm tỷ ảnh 4 Dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden liền kề với Khu đô thị Ecopark và có đường nối sang khu đô thị này.

Và đến năm 2018, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về điều chỉnh dự án. Đáng lưu ý, trong quyết định lần này, diện tích dự án đã được mở rộng thêm gần 10.000 m2 để xây dựng ki ốt bán hàng, giới thiệu sản phẩm và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.

Có thể thấy, chỉ bằng cách lập dự án nhà máy gạch và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty Đại Hưng đã “hô biến” 50,743m2 đất thuê 50 năm của Nhà nước sang đất ở để thực hiện dự án bất động sản với quy mô hàng trăm căn nhà phố, biệt thự.

Thế nhưng, dù dự án vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chưa được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho dự án điều chỉnh, Công ty Đại Hưng đã "cầm đèn chạy trước ô tô" tiến hành làm hạ tầng, xây dựng hơn 200 căn nhà phố, biệt thự và ký hợp đồng mua bán với khách hàng. 

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.