Kịch tính: Bệnh nhân bị vỡ tim máu phun như vòi máy bơm nước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đang trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện bệnh nhân đột ngột ngừng tim nên nhanh chóng mở lồng ngực kiểm tra. Mặt sau thành tâm thất phải tim của người bệnh bị vỡ một đường khoảng 2,5cm máu phun ào ạt theo nhịp tim.

Khoảnh khắc bác sĩ phát hiện vị trí tim của bệnh nhân bị vỡ máu tuôn ào ạt

Ngày 4/11, TS.BS Bùi Minh Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM cho biết, tại đây vừa kịp thời can thiệp cho một trường hợp bị vỡ tim, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân là ông B.S. (52 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) nhập viện cấp cứu tại khoa Tim mạch Can thiệp do đau ngực dữ dội. Bệnh nhân đã được chụp mạch vành với chẩn đoán nhồi máu cơ tim do tắc hoàn toàn động mạch vành phải, hai nhánh chính còn lại hẹp khít từ 90-95%.

Kịch tính: Bệnh nhân bị vỡ tim máu phun như vòi máy bơm nước ảnh 1

Bệnh nhân đã may mắn được các bác sĩ phát hiện kịp thời tình trạng vỡ tim

Người bệnh được bác sĩ xác định bị suy tim trên cơ địa có bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường, mắc bệnh thận mạn tính, gout và suy tĩnh mạch chi dưới. Cùng với việc điều trị nội khoa, các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định mổ bắc cầu nối động mạch chủ với mạch vành cho người bệnh.

Ngày 2/11/2022, cuộc mổ cho người bệnh được thực hiện, quá trình gây mê diễn ra khá thuận lợi, huyết động ổn. Tuy nhiên, sau khi ê kíp lấy một đoạn tĩnh mạch dưới chân để làm cầu nối thì đột nhiên huyết áp người bệnh tụt nhanh và rơi vào ngưng tim. Mặc dù ê kíp đã xoa bóp tim ngoài lồng ngực và tiêm adrenaline nhưng tim không đáp ứng.

Các bác sĩ đã quyết định cưa xương ức, mở ngực, mở màng ngoài tim để xoa bóp tim trực tiếp. BS Minh Thành cho biết, khi tiếp cận, tim của người bệnh đã giãn lớn kèm rất nhiều máu trong khoang màng tim. Ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng thực hiện phương pháp tuần hoàn ngoài cơ thể để ngăn chặn nguy cơ thiếu máu não và thiếu máu càng tạng phủ.

Kịch tính: Bệnh nhân bị vỡ tim máu phun như vòi máy bơm nước ảnh 2

Sau phẫu thuật, sức khỏe của người bệnh đã bình phục tốt

Sau khi chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, tim bệnh nhân rơi vào tình trạng rung thất phải sốc điện trực tiếp, rung nhĩ. Cùng thời điểm trên, bệnh nhân đã bị giãn đồng tử, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra mặt sau dưới thành tâm thất phải của tim thì phát hiện vị trí bị vỡ dài khoảng 2,5cm máu tuôn ào ạt theo nhịp tim.

Ngay lập tức, ê kíp khâu đóng vị trí bị vỡ của tim đồng thời tiến hành bắc ba cầu nối trên các động mạch vành bị tắc và hẹp khít để tái tưới máu cơ tim. Sau khi bắc cầu mạch vành, bác sĩ đã tiến hành dẫn nhịp tim bằng máy tạo nhịp và xoa bóp tim liên tục kèm vận mạch liều cao giúp tim có nhịp đập trở lại. Sau hai ngày hồi sức bệnh nhân đã được rút nội khí quản, tự thở, vận động tay chân được, trí nhớ phục hồi dần.

Theo TS.BS Minh Thành, nhồi máu cơ tim gây biến chứng vỡ tim có thể xảy ra ở 5% đến 10% trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trong khoảng hai tuần sau nhồi máu, gây đột tử. “Thật sự, tôi chưa nghĩ đến trường hợp vỡ tim này khi đã mở ngực và tiệm cận quả tim. Tình huống xảy ra bất ngờ trong phòng mổ cũng là yếu tố may mắn mới có thể cứu mạng được bệnh nhân. Hy vọng sau khi bệnh nhân được bắc cầu mạch vành tái tưới máu toàn bộ tim sẽ giảm tối đa nguy cơ vỡ tim ở các vị trí nhồi máu đã có trước đây” – TS.BS Minh Thành nói.

MỚI - NÓNG