Kích cầu để giải nợ xấu

Phải đổ vốn, khơi thông đầu tư công ảnh: Hoàng Hải
Phải đổ vốn, khơi thông đầu tư công ảnh: Hoàng Hải
TP - Theo các chuyên gia, xóa bỏ số liệu ảo, minh bạch thống kê và kích cầu đầu tư công sẽ là những biện pháp hữu hiệu nhất để giải bài toán nợ xấu hiện nay.

> Lối thoát nào cho nền kinh tế?
> Bi hài chuyện nhà băng 'siết nợ'

Gỡ nút thắt số liệu ảo

PGS. TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Kinh tế Việt Nam) cho rằng, những dự báo về khả năng đến đáy và thoát đáy của nền kinh tế vào giữa năm 2013 đang trở nên xa thực tế hơn. Bởi vì, cả 2 yếu tố quyết định khôi phục tăng trưởng và ổn định vĩ mô là tăng trưởng tín dụng (chỉ đạt 0,03%) và thu chi ngân sách (16,7% và 18,5% dự toán cả năm) của quý I (năm nay) đều yếu hơn các năm trước.

Những chỉ số này cho thấy, năm 2013, nền kinh tế vẫn trong tình trạng “bất thường”, thậm chí còn hơn thế nữa. Lối thoát cho những vấn đề hiện tại không thể được giải quyết bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa mà phải có những giải pháp cụ thể.

Một nút thắt quan trọng và cũng là nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện để gỡ khó cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, theo ông Thiên, chính là vấn đề số liệu.

Có số liệu chuẩn thì mới đoán định đúng tình hình để có giải pháp. Hiện nay, vấn đề minh bạch số liệu ở nước ta rất thấp. Doanh nghiệp tìm mọi cách giấu số liệu xấu, cơ quan quản lý cũng không có số liệu chuẩn nên dường như phải chấp nhận (với các số liệu trên).

Điều đầu tiên hiện nay là nợ xấu không biết chính xác bao nhiêu. Các con số của nhiều cơ quan công bố, sai khác hàng trăm tỷ đồng. Ngay cả con số dễ công khai nhất là dự trữ ngoại tệ cũng không ai biết.

“Nền kinh tế nguy kịch như thế, công suất hoạt động của DN chỉ còn 65%, trong khi vẫn báo cáo tình hình việc làm tăng, xóa đói giảm nghèo tốt… Làm chính sách như thế thì rất khó”, ông Thiên thẳng thắn.

Một chuyên gia khác cho biết: Cái khó hiện nay là xu hướng tăng trưởng giảm. Cùng đó, chúng ta phải trả giá đắt cho việc quen sống bằng tín dụng. Việc giải quyết những yếu kém hiện tại không thể chỉ bằng những chính sách tiền tệ ngắn hạn; phải tái cơ cấu trên toàn bộ mặt trận và cần quên đi mục tiêu tăng trưởng.

Việc tái cấu trúc (tập đoàn) chỉ nên tập trung vài tập đoàn, để tạo lòng tin và tạo hình mẫu. “Cục máu đông” hiện chưa được giải tỏa, lấy tiền đâu mà triển khai.

 “Nên xem xét và mạnh dạn nâng chỉ tiêu kiềm chế lạm phát lên 7-8% năm nay. Nếu có dư địa đó, Ngân hàng Nhà nước mới dám hạ tiếp lãi suất xuống, nới lỏng chính sách tiền tệ dần” 

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên cần xác định rõ do ai gây ra nợ xấu. Hiện, mới quy cho ngân hàng là thủ phạm, sau đó là DN. Tuy nhiên, như vậy vẫn thiếu trách nhiệm. DN chết do “dính” đơn đặt hàng của nhà nước để làm hạ tầng. Hai năm qua, trong đầu tư xây dựng cơ bản, Chính phủ vẫn đang nợ DN gần 100.000 tỷ; trong đó, nợ đến hạn phải trả chiếm 1/2 số tiền đầu tư này.

Để khai thông, cần bớt đầu tư mới và để dành dứt điểm một khoản tiền trả một phần nợ trong đầu tư cũ. Chỉ cần 50.000 tỷ đồng là giải quyết được hàng loạt vấn đề. DN có tiền trả nợ ngân hàng và lại được tiếp cận lãi suất thấp. Có như vậy mới tạo nên sự dịch chuyển của dòng tiền.

Chấp nhận “thu tay phải, chi tay trái”!?

Ông Nguyễn Đức Hưởng (Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-LienVietPostBank) cho rằng, liều thuốc chính với thị trường và DN hiện nay chính là kích cầu, cứu nền kinh tế. Theo ý ông Hưởng, chúng ta đang suy giảm, đừng để nó vào ngưỡng cửa suy thoái. Muốn cứu thì phải kích cầu chứ không phải là vấn đề lãi suất.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế lo ngại việc kích cầu sẽ khiến lạm phát quay trở lại.

“Nhưng trong điều kiện thực tiễn hiện nay, cá nhân tôi lại lo giảm phát hơn, vì nó mới thực sự vùi dập nền kinh tế vốn đang trên bờ vực khó khăn. Chỉ có giảm phát mạnh mới làm tê liệt thực sự các DN vốn đang cuối đường hầm, chưa tìm ra lối thoát. Lúc này theo tôi, nên đánh đổi giữa hạ lãi suất và chấp nhận lạm phát cao trở lại”, ông Hưởng nói.

Theo đó, để thoát tình hình hiện nay, phải đổ vốn, khơi thông đầu tư công, dù đây là biện pháp không mới mẻ. Phải kích cầu bằng cách đầu tư vào các công trình trọng điểm của đất nước hiện đang thiếu vốn.

Chúng ta phải chấp nhận việc thu tay phải, chi tay trái. Thu bằng phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu hay tín phiếu với lãi suất chấp nhận được, khoảng 7-8%/năm; còn lãi suất ngân hàng hạ xuống. Dòng vốn hiện đang dư thừa sẽ chảy sang công trái, trái phiếu Chính phủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG