Kỹ sư Nguyễn Như Ánh sinh ra và lớn lên tại Huế, năm 1970 Ánh đi du học tại Đại học Dortmund (Đức) và theo học chuyên ngành Điện tử truyền tin. Năm 1976, Nguyễn Như Ánh tốt nghiệp và ở lại Đức, làm việc tại một công ty chuyên nghiên cứu- sản xuất máy tia laser để đo lường vận tốc, chất liệu của vật liệu, máy móc. Năm 1980, Nguyễn Như Ánh chuyển đến TP Munich và vào làm vào hãng ARRI nổi tiếng.
Tại đây, Nguyễn Như Ánh được giao dự án mới về thiết bị điều khiển tự động hóa về đèn, âm thanh, cần cẩu cho các studio điện ảnh và truyền hình. Sau hai năm nghiên cứu, Như Ánh và các cộng sự thực hiện thành công dự án và sau đó Nguyễn Như Ánh được cử làm giám đốc dự án.
Từ đó, Nguyễn Như Ánh đã cùng đồng nghiệp nghiên cứ và sáng chế được máy quay phim đời mới Arriflex 535. Đây là chiếc máy hiện đại nhất lúc bấy giờ, có với chức năng điện tử có thể dùng computer để lập trình, điều khiển, giúp cho người điều khiển có thể sáng tạo nghệ thuật đầy hiệu quả. Riêng bộ phận Elktronics Variable Shutter (bộ cửa chập tự động) của Arriflex 535 đã được nhận giải Oscar kỹ thuật vào năm 1985. Và giới chuyên môn kỹ thuật điện ảnh thế giới, kể cả các studio lớn ở Hollywood lúc đó cũng đánh giá cao chiếc máy này.
Kỹ sư Nguyễn Như Ánh (Ảnh- Đạo diễn Mỹ Khanh) |
Tuy thành công tại Đức nhưng Nguyễn Như Ánh cũng thường xuyên trở về với quê hương và tìm hiểu về nền điện ảnh trong nước. Với mong muốn góp chút ít công sức cho sự phát triển trong lĩnh vực này, Nguyễn Như Ánh từng làm việc với Cục Điện ảnh Việt Nam để triển khai các dự án hợp tác trong đào tạo và tư vấn kỹ thuật điện ảnh. Chính công ty của Nguyễn Như Ánh đã tham gia phần kỹ thuật màu sắc, hình ảnh trong khâu thực hiện hậu kỳ cho các phim như Sài Gòn nhật thực, Dòng máu anh hùng….
Ngoài ra, Nguyễn Như Ánh còn hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh tại TPHCM thực hiện dự án phim trường Ánh Việt Greenpost, đưa công nghệ làm phim 5D đến với khán giả Việt Nam.
Rồi sau này, Nguyễn Như Ánh còn liên lạc với nhưng mối quan hệ tại Đức. làm cầu nối hỗ trợ cho nhiều đạo diễn, quay phim trong nước sang học và thực tập ở đây. Khi đến tuổi nghỉ hưu, Nguyên Như Ánh đa chọn con đường trở về quê hương để nghỉ ngơi và hỗ trợ kỹ thuật cho điện ảnh trong nước.
Theo đạo diễn Mỹ Khanh, những năm gần đây, Nguyễn Như Ánh đã hợp tác với một số công ty trong nước, mở chương trình đào tạo điều dưỡng và tiếng Đức cho khá nhiều sinh viên Việt Nam, những sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ sang Đức làm việc trong các viện dưỡng lão. Nhiều bạn bè đã khuyên anh nghỉ ngơi cho khỏe vì công việc quá nhiêu khê quá, vất vả nhưng Nguyễn Như Ánh vẫn cố gắng làm chỉ với mong muốn có thêm cơ hội cho nhiều bạn trẻ Việt Nam mà thôi.
“Tuy nhiên, dịch bệnh đã ngăn một vài dự định của anh, và giờ đây đã ngăn cản vĩnh viễn những việc thiện lành mà anh thích làm. Không thể ngờ rằng lần này, một mình trên đường vắng, anh Ánh đang đi về cõi hư vô. Xin chia buồn với anh” - Đạo diễn Mỹ Khanh viết.