Ông Phạm Quang Diệu |
Chiều qua, 29/10, PV Tiền phong đã phỏng vấn ông Phạm Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm, đồng tác giả bản báo báo. Ông Diệu cho biết:
Thị trường nông sản năm 2008 biến động rất lớn. Có thể nói, kể từ khi đổi mới và hội nhập chưa năm nào thị trường biến động lại khó lường như năm nay.
Bắt đầu là mặt hàng gạo, giá thế giới tăng vọt ở những lúc đỉnh điểm lên trên 300%, sau đó lại suy giảm. Tiếp theo là giá thịt tăng rồi giảm, và gần đây các mặt hàng cây công nghiệp đã giảm đột ngột.
Những biến động rất bất ngờ của thị trường đã làm cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế từ người nông dân, đến doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trở nên lúng túng.
Đơn giản bởi vì những hiện tượng này trước đây chưa từng xảy ra, đó là sự biến động của thị trường tài chính lan sang thị trường nông sản với mức độ nhanh đến bất ngờ.
Để đảm bảo các nhận định của báo cáo sát nhất với thực tiễn, ngoài việc nhóm phân tích tiến hành đánh giá và dự báo tình hình, chúng tôi còn tham khảo các ý kiến của các chuyên gia quốc tế đầu ngành của các trường Đại học Hoa Kỳ (Stanford), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), hoặc Viện chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI).
Tại sao thời gian vừa qua, giá nông sản thế giới cũng như Việt Nam liên tục giảm?
Thị trường nông sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố căn bản của cung cầu như sản xuất, dự trữ, tiêu dùng và các yếu tố nhạy cảm khác như tỷ giá, chính sách, giá dầu, diễn biến thời tiết…Vừa rồi, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đến suy giảm giá khác nhau tùy từng ngành hàng.
Nguồn: Trung tâm thông tin Phát triển NNNT, www.agro.gov.vn |
Đối với ngành hàng cây công nghiệp thì giá cả biến động khá nhạy cảm phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là có nhân tố đầu cơ của các quỹ đầu tư. Như vậy, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính mạnh nhất đến các mặt hàng cây công nghiệp, như cao su, cà phê.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh so với đồng Euro cũng gây sức ép lên giá nông sản thế giới. Hiện nay so với tháng 5/2008, đồng USD lên giá đến 23% so với đồng Euro.
Do Hoa Kỳ là nước xuất khẩu nông sản lớn, và các nước xuất khẩu nông sản khác chủ yếu cũng sử dụng đồng USD trong thương mại quốc tế, và thị trường EU là một thị trường nông sản quan trọng do đó giá hàng nông sản khi vào EU trở nên đắt tương đối, làm giảm cầu gây sức ép làm giảm giá nông sản.
Mức giảm hiện nay của một vài mặt hàng so với những tháng giữa năm 2008 như sau, giá cao su thế giới giảm đến 31%-39% tùy chủng loại, cà phê giảm 15% đối với Arabica và 27% đối với Robusta…
Xin ông cho biết, khó khăn lớn nhất của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới là gì?
Tôi nghĩ rằng xuất khẩu nông sản chúng ta đang đứng trước thử thách lớn, chính thời điểm này mới là lúc khó khăn nhất, thị trường biến động rất khó lường. Vượt qua giai đoạn này, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học hữu ích để chuẩn bị tốt cho tương lai.
Cùng đó, nền nông nghiệp trong nước sẽ gặp trở ngại lớn gì? Đời sống của người nông dân nước ta sẽ ra sao, thưa ông?
Đúng là ngoài bấp bênh của giá nông sản, xuất khẩu đang gặp thách thức, nền nông nghiệp đang chịu sức ép đến từ nhiều phía khác đó là kinh tế vĩ mô suy giảm, lãi suất cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, công nghiệp suy giảm đặc biệt là công nghiệp vừa và nhỏ sẽ không những không hút được lao động ra khỏi nông nghiệp mà còn đẩy lao động về nông thôn. Trong bối cảnh này đời sống nông dân sẽ gặp khó khăn, nguy cơ bất bình đẳng sẽ có khả năng tăng lên.
Những khó khăn đó sẽ kéo dài trong bao lâu? Chúng ta sẽ“gỡ” ra sao?
Tôi nghĩ rằng khó khăn này sẽ diễn ra song hành với khó khăn chung của nền kinh tế, ít nhất là đến hết quý I năm 2009. Theo tôi tình hình đang khẩn trương, những giải pháp về quy hoạch, khoa học công nghệ, bảo hiểm nông nghiệp… là những giải pháp dài hạn, phải nhiều năm mới phát huy tác dụng.
Hiện nay cần có những gói giải pháp ngắn hạn và đồng bộ để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp như các biện pháp đòn bẩy về tài chính tín dụng, chính sách thương mại, hoặc hỗ trợ khẩn cấp...
Cảm ơn ông.
Đức Kế
thực hiện