Sông Cổ Cò chảy giữa hai tỉnh, thành Quảng Nam và Đà Nẵng. |
Theo đó, hai tỉnh thống nhất phương án điều chỉnh mặt cắt và hướng tuyến sông Cổ Cò đoạn qua ranh giới giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (khoảng 600m): Đối với đoạn 300m từ phía bắc sân golf Montgomerie Links đến giáp sân golf VinaCapital sẽ lấy đường trung bình địa giới hành chính làm tim sông Cổ Cò mở rộng về mỗi bên 45m và hành lang mỗi bên 5m; đoạn 300m còn lại sẽ dịch chuyển lòng sông Cổ Cò về phía nam thuộc ranh giới địa phận Quảng Nam nhằm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất các dự án đang triển khai tại khu vực.
TP.Đà Nẵng sẽ bù lại phần diện tích khoảng 2ha phía tây bắc dự án của Công ty TNHH Chí Thành bị ảnh hưởng do việc điều chỉnh lòng sông để đơn vị tiếp tục triển khai.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án Khơi thông sông Cổ Cò từ TP.Đà Nẵng đến TP.Hội An theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) sẽ dựa trên nguyên tắc: Bề rộng lòng sông tối thiểu là 90m, tùy theo điều kiện địa hình thực tế sẽ xem xét mở rộng; bố trí hai tuyến đường ven sông có bề rộng lòng đường 10,5m, chiều rộng vỉa hè phía sông khoảng 20m, chiều rộng vỉa hè phía còn lại khoảng 9m với vệt khai thác quỹ đất dọc hai bên bờ sông khoảng 200m.
Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng Quảng Nam lập quy hoạch chi tiết đoạn qua ranh giới giữa hai địa phương, quy hoạch sử dụng đất dọc sông Cổ Cò đoạn phía nam dự án Khu đô thị FPT trình UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết sử dụng đất ven sông Cổ Cò từ ranh giới thành phố Đà Nẵng vào Hội An, trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt trong tháng 6. UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét nếu nhà đầu tư BT đã được chọn không đủ khả năng tiếp tục thực hiện dự án thì sẽ thu hồi dự án và làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng để Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện dự án BT theo đúng quy định.
Lãnh đạo hai tỉnh, thành Quảng Nam và Đà Nẵng cho rằng, việc khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò giúp cho việc phát triển du lịch đường sông theo tuyến từ sông Hàn đến Ngũ Hành Sơn và vào Hội An, phục hồi con sông như ngày xưa sẽ góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội hai bên bờ.