Không xem xét đơn tố cáo nặc danh

Không xem xét đơn tố cáo nặc danh
TP - Người tố cáo được bảo vệ như thế nào, tố cáo qua điện thoại được chấp nhận hay không… Sáng qua (25-10), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo.

> Chưa ngã ngũ về tố cáo nặc danh

Băn khoăn

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhiều ý kiến ĐBQH tán thành khẳng định trong Luật không tiếp nhận, giải quyết đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo (nặc danh).

Một số ĐB đề nghị có cơ chế xem xét, xử lý những tố cáo nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, rõ ràng để tránh tình trạng bỏ lọt thông tin tố cáo, không xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị, cần xem xét đơn thư tố cáo nặc danh khi có thông tin chính xác, có thể coi như việc cung cấp tin về dấu hiệu vi phạm để cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) cho rằng: “Tố giác bằng các tin nhắn điện thoại trong các kỳ họp, hiệu quả chưa thấy đâu mà tác hại của nó không lường trước được”.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật, chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo. Người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm công dân.

Hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, bằng lời qua điện thoại được qui định trong dự thảo Luật nhưng không được UBTVQH tán thành.

“Các hình thức tố cáo qua điện thoại, mạng thông tin điện tử tuy được quy định trong Luật PCTN nhưng chưa được áp dụng phổ biến, cần tổng kết để quy định chặt chẽ, cụ thể hơn, tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự hoặc để phát tán thông tin về việc tố cáo, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Đề nghị QH không bổ sung các hình thức tố cáo này trong Luật”- UBTVQH kiến nghị.

Nhưng theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), đây là một hiện tượng xã hội đang tồn tại, nếu không công nhận thì đồng nghĩa phủ nhận một việc làm đang mang lại hữu ích cho xã hội. Ví dụ, bấy lâu một số cơ quan hành chính, bệnh viện…có đường dây nóng để tố cáo các cán bộ, công chức vi phạm pháp luật. Đó chính là tố cáo qua điện thoại.

Làm sai phải bồi thường

Các ĐB kiến nghị, đối với người tố cáo sai sự thật cũng như người giải quyết tố cáo gây ra oan sai, gây thiệt hại lớn về nhân phẩm, danh dự, thiệt hại vật chất thì phải giải quyết bồi thường (gắn với Luật Bồi thường thiệt hại). Cần bổ sung qui định buộc người tố cáo sai sự thật phải xin lỗi, phải cải chính công khai về nội dung tố cáo sai sự thật, có như vậy mới phù hợp với Luật Bồi thường nhà nước cũng như các đạo luật khác.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, có những tố cáo những vị trí cán bộ rất cao (như Phó Viện trưởng VKSNDTC, Phó Chánh án TANDTC trở lên) không biết gửi đơn ở đâu, ai giải quyết. “Trong thực tế ở nước ta, ở những vị trí này đều có các cơ quan kiểm tra của Đảng giải quyết, nhưng Luật phải đưa vào để nếu cần tố cáo, người ta còn biết gửi đơn ở đâu”- ĐB Châu nói.

Một số ĐB cho rằng, bảo vệ người tố cáo là một chế định mới trong dự thảo Luật, nhưng vẫn thiên về hình thức khó khả thi. Ví dụ Điều 37 "bảo vệ người tố cáo ở nơi công tác" qui định phải đảm bảo vị trí công tác, không phân biệt, đối xử ở nơi công tác. Nhưng trong khi chờ cấp trên giải quyết, người ta vẫn có rất nhiều lý do để trù dập cán bộ dưới quyền. “Nếu họ làm kín kẽ, rất khó để có thể xác định đấy là hành vi trù dập, hay có cái gì đó với người tố cáo”- ĐB Nguyễn Sỹ Cương lo ngại.

Hôm nay, QH sẽ thảo luận về Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Báo cáo về công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC; Báo cáo về công tác thi hành án và công tác đặc xá.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.