Hành hung bác sĩ trong bệnh viện

Không 'vừa mắt' là đánh

TP - Chỉ trong vòng 10 ngày đã có 3 vụ bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện. Mới đây nhất là đêm 13/4, người nhà bệnh nhân đã tấn công bác sĩ V.H.C, Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Saint Paul).

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình cho biết, khoảng 23h30 ngày 13/4, Khoa Phẫu thuật tạo hình tiếp nhận một cháu bé tầm 7 tuổi có vết thương trên trán. Người đàn ông đi cùng bệnh nhi này yêu cầu các bác sĩ trực xử lý vết thương cho bệnh nhân. Lúc đó là ca trực, nên bác sĩ V.H.C, 29 tuổi trực tiếp nhận bệnh nhân. Trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người này nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ C. 2 phát.

Theo hình ảnh ghi lại từ camera đặt trong phòng khám cấp cứu của Khoa Phẫu thuật tạo hình cho thấy người đàn ông này sấn sổ đấm vào mặt bác sĩ, trong lúc đó bác sĩ C. vô cùng bất ngờ vì bị tấn công. Người đàn ông với rất nhiều hình xăm trổ trên cánh tay dù đã được nhân viên bảo vệ mặc thường phục can ngăn nhưng vẫn cố tìm cách lao vào đánh bác sĩ C. Anh ta chỉ dừng lại khi lực lượng bảo vệ cử thêm người và Công an phường Điện Biên (quận Ba Đình) có mặt.

Trong lúc lực lượng chức năng tới đưa bác sĩ C. và nhân viên bệnh viện ra ngoài, người đàn ông ở lại một mình trong phòng còn lấy hết tiền trong ví ra vứt lên bàn làm việc tạo hiện trường giả rằng phải “lót tay” bác sĩ.

GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết, sự việc xảy ra khiến toàn bộ nhân viên y tế của khoa Phẫu thuật tạo hình rất sốc và hoang mang. Bản thân bác sĩ C. cũng có dấu hiệu sang chấn tâm lý, tinh thần bất ổn. Bác sĩ C. được đồng nghiệp trong khoa  và các đồng nghiệp trong ngành cũng như bạn bè học chung đánh giá là hiền lành, không bao giờ to tiếng với ai.

Quá trình làm việc tại khoa, bác sĩ C. luôn hết mình vì công việc. Được biết bác sĩ C. mới tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành phẫu thuật tạo hình được nửa năm, rất nhiệt tình trong công việc và có chuyên môn tốt. GS Sơn khẳng định, quá trình làm việc của bác sĩ C. không có sai sót và rất chu đáo.

Không ưa là đánh, chả cần “lửa khói” gì

Sự việc các bác sĩ và nhân viên y tế liên tiếp bị hành hung khiến người làm trong ngành Y lo lắng và bất an. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cảm thán: “Tháng 4 mới đi được một nửa đã có 3 vụ hành hung nhân viên y tế mà không hề có “lửa khói” gì. Từ bệnh viện hạng 3 đến bệnh viện hạng 1, từ tỉnh nghèo Bắc Kạn, Hà Tĩnh đến thủ đô Hà Nội đâu đâu cũng đánh bác sĩ. Chắc cần một hiệu ứng mạnh hơn cho một xã hội rất đặc biệt này, như một cú “sốc điện” mà chúng tôi phải sử dụng khi tính mạng người bệnh ngàn cân treo sợi tóc. Tôi tự hỏi vào một ngày đẹp trời sẽ có bao nhiêu người nắm tay nhau trên đường để bảo vệ một môi trường y tế bình an”?

Đáp lại lời chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một đồng nghiệp của anh cho rằng: “Cần có làn sóng mạnh hơn nữa để luật pháp bảo vệ các bác sĩ và ngành Y của chúng ta cũng như may ra soi rọi được vào nhận thức u mê của nhiều kẻ ngang ngược”. Trước những ý kiến cho rằng ngành Y nên đình công 1 ngày để phản đối tình trạng bạo hành nhân viên y tế, TS Hiếu nhìn nhận: “Đình công sẽ gây nhiều hệ luỵ, diễu hành sẽ là bước tốt hơn để thể hiện sự đồng lòng của những người có lương tri không chỉ là nhân viên y tế”.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, cần 1 buổi diễu hành xuống đường phản đối nạn bạo hành y tế và pháp luật phải có khung hình phạt thích đáng cho những kẻ bạo hành y tế.

GS.TS Trần Thiết Sơn băn khoăn, với những vụ việc như vừa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, nếu kẻ hành hung bác sĩ không bị xử lý thích đáng thì hệ luỵ sẽ là rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế từ bỏ bệnh viện công, nơi họ thấy môi trường làm việc bất an, để đến với các bệnh viện tư.

MỚI - NÓNG