Không vì đã tiêm 2 mũi vắc xin mà lơ là phòng dịch

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 vẫn phải thực hiện nghiêm quy định 5K Ảnh: Long Phạm
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 vẫn phải thực hiện nghiêm quy định 5K Ảnh: Long Phạm
TP - Trong thời gian qua ghi nhận nhiều trường hợp tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 vẫn mắc bệnh cho thấy sự chủ quan trong công tác phòng chống dịch của một bộ phận người dân. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Vắc xin COVID-19 là vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu mới có khả năng phòng bệnh”.

Chuyên gia này cho biết thêm, vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Trên thực tế có những loại vắc xin hiệu lực bảo vệ với 90% nhưng có vắc xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác. “Tiêm đủ 2 mũi vắc xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vắc xin này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Delta hay không. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vắc xin COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vắc xin sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nhiều người chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, thậm chí nghĩ mình đã tiêm một mũi vắc xin thì không thể nhiễm bệnh. “Đó thực sự là sai lầm. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm. Hiện Việt Nam chưa đạt tỉ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác. Người được tiêm vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch”, ông Phu nhấn mạnh.

"Vắc xin giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vắc xin thì cơ thể không thể có kháng thể chống virus ngay được. Bản thân họ vẫn có thể nhiễm bệnh. Có những nghiên cứu cho rằng có những trường hợp khi nhiễm, nồng độ virus ở hầu họng của người tiêm và chưa tiêm giống nhau. Do đó, người tiêm khi nhiễm sẽ truyền bệnh cho người khác, nguy hiểm nhất là truyền bệnh cho trẻ em, người già, người có bệnh nền, đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Bởi vì với người già, người có bệnh nền khi nhiễm virus dễ mắc nặng và tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm.

Về tâm lí chủ quan khi đã tiêm đủ vắc xin, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Ở các nước, nhiều người tiêm vắc xin rồi vẫn tử vong; đó là chuyện bình thường. Bởi nếu người nhiễm virus mà đang có bệnh nền rất nặng thì dù có tiêm vắc xin vẫn sẽ xảy ra tình huống xấu”. Ông thông tin thêm, tỉ lệ chuyển nặng, tử vong với người đã tiêm vắc xin thấp bằng 1/10 người chưa tiêm. Nhưng điều đó cho thấy tất cả mọi người, không loại trừ nhóm nào, nhất là những người có bệnh lí nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai… dù đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt quan trọng là đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có nhiều người.

"Theo các báo cáo khoa học, tỉ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa là họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

“Vắc xin COVID-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Ít nhất 14 ngày sau tiêm mũi 1 mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ lúc này chỉ đạt rất thấp. Sau tiêm mũi 2 từ 1 tháng trở lên thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy loại vắc xin. Vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh” - TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư

MỚI - NÓNG