Sáng nay, 16/6, thời báo Ngân hàng và công ty tài chính Home Credit tổ chức toạ đàm tài chính trực tuyến “Điểm tín dụng cá nhân trong vay tiêu dùng”.
Theo ông Cao Văn Bình, phó tổng giám đốc trung tâm thông tin tín dụng (CIC), CIC kết nối thông tin tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, các quỹ tín dụng… tại Việt Nam. CIC là cầu nối giúp minh bạch thông tin cá nhân, làm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng cho người dân, đồng thời giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) tìm được khách hàng tiềm năng, giảm chi phí thẩm định để có những chính sách phù hợp.
CIC đang thực hiện việc chấm điểm tín dụng cho mọi cá nhân từ 18 tuổi trở lên có và chưa có quan hệ tín dụng theo thông lệ quốc tế. Đây là công cụ chứng minh năng lực tài chính, lưu trữ thông tin. Thông qua CIC, mọi người dân sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay một cách công bằng. Nếu thông tin tốt, người dân sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ TCTC. Trường hợp điểm tín dụng thấp, các điều kiện, chính sách cho vay sẽ cẩn trọng và cân nhắc.
Ông Cao Văn Bình (thứ hai từ trái sang) đang giao lưu trực tuyến với người dân sáng 16/6.
Ông Bình lưu ý mọi người dân cần quan tâm quản lý giấy tờ cá nhân và các khoản vay có liên quan vì mọi sơ suất đều dẫn đến việc phát sinh thông tin nợ xấu trong hệ thống.
Chẳng hạn người chị bảo lãnh cho em vay mua xe máy. Người em quên đóng tiền, người chị sẽ bị ghi nợ xấu, sau này gặp khó khăn khi tiếp cận các tổ chức tài chính thì mới vỡ lẽ.
Không ít trường hợp sinh viên vay chương trình hỗ trợ của chính phủ không hoàn trả đúng hạn cứ nghĩ đơn giản khi nào tìm được việc làm sẽ trả. Tuy nhiên, ít người biết thông tin xấu này đã được ghi nhận vào hồ sơ tín dụng và gây nhiều bất lợi trong quá trình tìm việc làm vì nhiều cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân sự tham chiếu thông tin của ứng viên trên hệ thống của CIC.
“Nhiều người biết có thông tin xấu trên CIC khi đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ vay. Số tiền có thể rất nhỏ nhưng vẫn lưu trên hệ thống 5 năm sau mới xóa đi. Có trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng giả mạo giấy tờ phải có bản án của tòa án thì thông tin trên CIC mới được chỉnh sửa” – ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, trường hợp thông tin trên hệ thống CIC bị sai, người có liên quan có thể khiếu nại qua 3 kênh: bưu điện (gửi đơn, CIC đã có mẫu trên website), gửi email, trực tiếp đến số 10 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội hoặc số 8 Nguyễn Huệ, Q.1 TPHCM. Sau khi tiếp nhận khiếu nại, CIC sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình và khắc phục nếu có sai sót. Trường hợp sai sót từ phía ngân hàng, CIC sẽ tra soát dữ liệu và ngân hàng phải nói rõ lý do sai sót, người đại diện pháp luật của ngân hàng ký xác nhận thì thông tin dữu liệu trên hệ thống mới được điều chỉnh.
Ông Bình cho biết theo kế hoạch của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đến 2020, CIC đang tích cực mở rộng thu thập thông tin ngoài ngành, như từ cơ quan công an, các đơn vị dịch vụ công ích (điện, viễn thông…). Các trường hợp chưa tiếp cận tín dụng vẫn có hồ sơ trên CIC để các TCTD tham khảo.
Theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng thế giới, độ phủ thông tin tín dụng ở Việt Nam hiện nay chỉ mới đạt 40%. Có 60% khách hàng chưa được ghi nhận thông tin và sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các nguồn vốn vay.