Theo đơn thư gửi đến báo Tiền Phong, anh Lê Văn Tịnh (trú tại thành phố Vũng Tàu) cho biết, ngày 30/5, anh đến Trường THCS - THPT Việt Anh (số 269A Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TPHCM) liên hệ cho cháu Nhi vào học lớp 8 tại trường. Nhà trường thu của anh Tịnh 1 triệu đồng gọi là tiền đặt cọc.
Ngày 25/7, Trường Việt Anh (gọi tắt) tiếp tục thu của anh Tịnh thêm 65,217 triệu đồng gồm các khoản: học phí 29,916 triệu đồng; tiền ăn 21 triệu đồng; ký túc xá 8,123 triệu đồng; học phí đầu năm 7,150 triệu đồng. Tuy nhiên, sau ngày tập trung (ngày 3/8), Nhi thay đổi ý định không học trường này nữa, anh Tịnh có đơn xin rút học phí nhưng nhà trường từ chối trả lại với lý do học phí đóng rồi, không trả lại.
“Việc Trường Việt Anh không trả lại tiền cho gia đình tôi khi chỉ căn cứ vào biên lai đóng tiền mà trường này tự ý đóng lên hàng chữ “học phí đóng rồi không hoàn lại” để từ chối trả tiền là không có căn cứ và không thỏa đáng”, anh Tịnh nói.
Theo anh Tịnh, có thể Trường Việt Anh không trả lại tiền học phí nhưng các khoản khác như tiền ăn một năm học, ký túc xá, phí đầu năm… tổng cộng hơn 36 triệu đồng, con anh hoàn toàn không sử dụng nhưng trường không trả lại là vô lý. Anh Tịnh không hề có thỏa thuận gì với nhà trường về việc nộp học phí.
Trả lời PV báo Tiền Phong bằng văn bản về việc này, bà Phạm Thị Cẩm Tú, Giám đốc Quản lý học sinh Trường Việt Anh cho biết, việc đặt cọc 1 triệu đồng là để giữ chương trình học bổng 50% học phí dành cho đối tượng học sinh giỏi theo chính sách khuyến học của trường.
Theo bà Tú, học phí trọn gói một năm học tại trường là 106 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Lê Văn Tịnh đã đóng một lần nên được miễn giảm nhiều khoản, còn lại là hơn 66 triệu đồng. Sau khi biết tin em Nhi muốn chuyển trường, nhà trường đã cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa để em tiếp tục theo học nhưng vẫn không được. Anh Lê Văn Tịnh đã yêu cầu hoàn lại tiền học phí và chỉ trừ 10 - 15%. Nhà trường không đồng ý về việc này. “Tất cả các khoản đầu tư về giáo viên, cơ sở vật chất và dịch vụ của Trường Việt Anh là dựa trên số lượng đăng ký của các em ngay từ đầu năm. Em Lê Thị Hải Nhi đơn phương rời khỏi nhà trường cũng không làm giảm đáng kể chi phí của nhà trường”, công văn nêu nguyên nhân trường không hoàn trả lại học phí.
Trao đổi với PV, đại diện Phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận cho biết, Trường Việt Anh là trường dân lập quốc tế nên Phòng chỉ quản lý về chương trình học, còn việc thu chi tài chính thì không quản lý.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 401 của Bộ luật Dân sự: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”. Do đó, khi ông Lê Văn Tịnh thực hiện thủ tục nhập học cho con, đóng học phí và nhận hóa đơn thu tiền của trường Việt Anh thì cũng là lúc hai bên giao kết và thực hiện hợp đồng dân sự theo sự thỏa thuận giữa hai bên.
“Trường hợp ông Lê Văn Tịnh thay đổi ý định không muốn cho con học tại Trường Việt Anh nữa và muốn nhận lại học phí đã đóng thì phải thỏa thuận lại với Trường Việt Anh về việc thay đổi hợp đồng đã thỏa thuận giữa hai bên”, luật sư Hậu nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số trường dân lập, tư thục hay quốc tế trên địa bàn TPHCM đều có chế độ hoàn trả lại học phí cho học sinh khi học sinh có nguyện vọng chuyển trường. Chẳng hạn như: Trường Quốc tế TPHCM (Bộ Giáo dục Anh) sẽ hoàn trả lại học phí cho học sinh khoảng 65% nếu thông báo nghỉ học trước 90 ngày và hoàn trả khoảng 40% nếu thông báo trước 40 ngày; Trường THPT Tư thục Thành Nhân (quận Tân Phú) sẽ hoàn trả lại những khoản như tiền ăn, ở, học hành cho học sinh kể từ ngày học sinh rời khỏi trường (tức chỉ tính tiền những ngày học sinh học ở trường)…