Chiều 14/11, QH thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội. ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nhiều đại biểu là công dân Thủ đô và ông không thể không nói lên tiếng nói của người dân.
“Tôi không biết từ trước tới nay các báo cáo của HĐND thành phố Hà Nội, báo cáo của HĐND các quận, huyện của Hà Nội và báo cáo của HĐND các phường, xã có nói rằng HĐND kém hiệu quả không, suy yếu không, cần phải bỏ không? Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc xem xét lại tất cả các báo cáo này. Còn nếu các báo cáo này ghi HĐND kém hiệu quả, vi phạm pháp luật, tôi đề nghị phải xem xét trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền của thành phố Hà Nội. Chúng ta nói như thế này là coi HĐND là một vật cản của chính quyền”, ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cũng cho rằng, 3 lý do đưa vào trong báo cáo đề án hoàn toàn không thuyết phục.
“Tôi cho rằng, nếu chúng ta dựa vào mệnh lệnh của UBND thành phố, của cấp huyện chuyển xuống không nhanh thì các đồng chí phải kiểm điểm lại các cơ quan hành chính. Sao các đồng chí nói vì thế nên phải bỏ HĐND cấp xã, cấp phường. Các đồng chí nói là mô hình chính quyền chưa đáp ứng nhu cầu thì thiếu linh hoạt ở chỗ nào?”, ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cũng thắc mắc lý do nêu ra chính quyền phường là chính quyền thừa hành nên không cần cơ quan dân cử. “Thế thì cơ quan dân cử sinh ra để làm gì. Cơ quan dân cử được gọi là Quốc hội nhỏ của địa phương, có trách nhiệm phải giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng chính quyền một mình một ngựa tự tung, tự tác”, ông Nhưỡng phân tích.
Vị ĐBQH đoàn Bến Tre cho rằng, có 3 vấn đề QH phải hết sức cân nhắc. Phải thực hiện tổ chức chính quyền theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu chỉ tập trung mà không dân chủ thì vi phạm nguyên tắc của Đảng và vi phạm nguyên tắc của Hiến pháp. “Nguyên tắc của chúng ta là quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Mà bây giờ chúng ta không cho nhân dân trực tiếp bầu ra người đại diện cho mình, bầu ra cơ quan hành pháp thì liệu các đồng chí xem xét là chúng ta đã tôn trọng nhân dân chưa”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.
Theo ông Nhưỡng, lấy lý do đô thị phát triển càng nhanh, văn minh nên bỏ HĐND cấp dưới là “giải thích ngược”. “Như thế có nghĩa là càng văn minh thì chúng ta bỏ sự tham gia của người dân đi. Còn HĐND chỉ cần ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, miền núi, nông thôn? Chúng ta nói như thế, tôi cho rằng những người dân rất tâm tư, cán bộ HĐND rất tâm tư”, ông Nhưỡng nói thêm.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ở Hà Nội càng ngày dân số của một phường càng đông, lên đến hàng vạn người, hoạt động nhiều, kinh tế càng mạnh thì càng cần phải con mắt giám sát của người dân. “Chúng ta không thể bỏ con mắt giám sát của người dân được”, ông Nhưỡng đề nghị.
Ông Nhưỡng đặt câu hỏi, nếu coi HĐND cấp xã, phường là một Quốc hội nhỏ của địa phương thì việc “bỏ đứa con tinh thần này, người đại diện nhân dân ở cấp cơ sở này thì QH có cảm thấy đau lòng không? QH có gánh vác được trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về vấn đề chưa cân nhắc đầy đủ những vấn đề của Hiến pháp không? Để sau này, giả sử có một hệ lụy nào đó ở phía dưới, có sự tổng kết rằng vì bỏ HĐND mà có những hệ lụy rất lớn đối với đời sống của nhân dân, đến sự lãnh đạo của Đảng ở cấp cơ sở, liệu QH có chịu trách nhiệm được vấn đề không? Riêng tôi xin báo cáo là tôi không đồng tình”.