Không thể xem thường động đất ở Việt Nam

Không thể xem thường động đất ở Việt Nam
TP - Một số nhà khoa học Việt Nam cho rằng, nhiều khu vực trong cả nước vừa bước qua khỏi thời kỳ yên tĩnh địa chấn.

>> Nhiều tòa nhà cao tầng tại Hà Nội rung lắc vì động đất

Nhà bị nứt do động đất tại Điện Biên Ảnh: Tư liệu
Nhà bị nứt do động đất tại Điện Biên. Ảnh: Tư liệu.

GS.TS Cao Đình Triều, Viện Vật lý Địa cầu, cho biết, từ năm 1923 tới năm 2000 không có động đất trên 3,0 độ richter xuất hiện tại ven biển Nam Trung Bộ. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, số liệu quan trắc ghi nhận được nhiều hoạt động động đất.

Thời kỳ yên tĩnh địa chấn trước đó thực chất chỉ là thời kỳ tập trung năng lượng để xuất hiện động đất trở lại. Biểu hiện động đất rõ nét nhất là ở khu vực Nam Trung Bộ.

Có thể xảy ra động đất kích thích

Các ghi chép, thống kê cho thấy, từ năm 2005 đến nay, có vẻ ngày càng xuất hiện nhiều trận động đất hơn, có năm đến 10 trận, dù cường độ các trận động đất gần như nhau, không có sự tăng - giảm mạnh. Riêng năm 2010, có rất nhiều trận động đất xảy ra ở Việt Nam, trận lớn nhất đạt 5 độ richter.

Các trận nhỏ hơn xảy ra trên hàng loạt đứt gãy như Mường Lay - Bắc Yên, Cao Bằng - Tiên Yên, đứt gãy sông Mã, sông Cả.

Các nhà khoa học cho rằng, nhiều khả năng đã và đang xảy ra động đất kích thích. Vụ động đất này có thể không trực tiếp gây ra vụ động đất kia, nhưng cũng là tác nhân gián tiếp thúc đẩy quá trình vận động địa chất, tạo ra các đứt gãy mới. Thời kỳ yên tĩnh tạm thời có vẻ đã trôi qua.

“Mấy năm vừa qua động đất diễn ra khá liên tục ở Việt Nam”, các nhà địa chất cảnh báo tại buổi thảo luận ngày 29-3 ở Hà Nội bàn về bài học cho Việt Nam từ thảm họa Nhật Bản. 

Trong công trình nghiên cứu về động đất và sóng thần cấp nhà nước, GS Triều cùng các cộng sự cũng ghi nhận xa xưa có động đất mạnh ở Việt Nam.

Tại đảo Hòn Mun (Vịnh Nha Trang), ở độ cao 10 - 30 m, một bãi đá tảng, đá cục granite trượt lở hỗn độn, có thể do động đất gây nên. Đáng chú ý là sự xuất hiện một đới đứt gãy có xu hướng cắm về phía tây một góc 80 – 85 độ và chia đôi đảo Hòn Mun thành hai phần. Tài liệu khảo sát thực địa và tính toán khoa học cũng cho thấy đã có một động đất mạnh xảy ra tại khu vực Phong Thổ (Lai Châu) cách đây khoảng 480 năm đến 530 năm.

Giới khoa học cũng ghi nhận nhiều khả năng từng có sóng thần đổ bộ vào Việt Nam. Một số địa điểm đã phát hiện những thành tạo nghi ngờ có nguồn gốc sóng thần vùng sông Cầu, vùng đảo Khỉ, thành phố Phan Rang, phía tây nam bán đảo Vũng Tàu, tỉnh Nghệ Tĩnh.

Một trong các bằng chứng là đồi sò điệp xen lẫn với đá, sỏi cao tới 7m ở xã Nghi Tiến và nhiều nơi ở Nghệ Tĩnh. “Không loại trừ khả năng hoạt động của sóng thần (do động đất, do bão lốc lớn) từng xảy ra trong lịch sử trước đây” – GS Triều nói.

Xây trạm trực canh sóng thần

Lo ngại của các nhà chuyên môn là hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống báo tin động đất và cảnh báo sóng thần hoàn chỉnh. Quá trình báo tin động đất sóng thần còn quá thô sơ, chưa được chuẩn hóa theo quy trình tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

“Chẳng hạn, trong thông báo có nêu “sơ tán nếu cần thiết”, nhưng trong trường hợp cụ thể khi xảy ra động đất thì không thể nói như vậy. Như thế nào là “cần thiết” phải được quy định rõ ràng. Ví dụ, Philippines có bốn mức độ, căn cứ vào đó để xác định mức độ nào thì cho sơ tán dân. Việt Nam phải nâng cấp, xây dựng quy chuẩn báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.” – TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất &Cảnh báo Sóng thần, đề nghị.

Trước thông tin tốc độ báo tin động đất còn chậm, TS Phương cho biết, đã nâng cấp tốc độ xử lý dữ liệu tự động lên 3 – 5 phút (trước đây là 15 – 20 phút). Do đó có thể rút ngắn khâu từ khi nhận được thông số về động đất đến khi phát cảnh báo sóng thần tới người dân.

Trong thời gian tới, hai dự án mới sẽ được triển khai tại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực báo tin động đất và cảnh báo sóng thần. Đó là nâng cấp mạng lưới quan trắc và xây dựng hệ thống trạm trực canh sóng thần tại các địa phương ven biển và hải đảo.

Dự án thứ hai đã được Chính phủ phê duyệt. Sẽ có khoảng 100 tháp báo thiên tai (sóng thần và bão) được xây dựng. Dọc biển miền Trung đã xây dựng được 10 tháp. Trong năm nay, một cuộc diễn tập quy mô về cảnh báo và ứng phó với sóng thần cũng sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.

GS.TSKH Đặng Văn Bát, trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội:

Gần đây hoạt động động đất nhiều hơn nên người ta cho rằng trước kia là thời kỳ tương đối yên tĩnh, tích luỹ năng lượng để sau đó xảy ra động đất mạnh. Theo tôi nhận định đó chỉ tương đối, khó có thể xác định được đâu là mốc giữa hai thời kỳ yên tĩnh và thời kỳ hoạt động kiến tạo mạnh.

Đến nay cũng không ai xác định trước năm 2000 là thời kỳ yên tĩnh, còn sau năm 2000 là hoạt động kiến tạo mạnh. Đây chỉ là một số ý kiến của các nhà khoa học dựa trên các hiện tượng ghi nhận được.

Thực tế, từ năm 2000, động đất tương đối nhiều trên bình diện toàn cầu. Chẳng hạn năm 2004, động đất mạnh ở Nam Thái Bình Dương, năm 2011 ở Nhật Bản. Chưa lý giải được tại sao giai đoạn này lại có hoạt động động đất nhiều và mạnh như vậy.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.