Xin TS có thể cho biết nguồn gốc của lễ Vu Lan?
TS Nguyễn Xuân Diện: Trước hết lễ Vu Lan có nguồn gốc từ Phật giáo, cụ thể là xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ và sự tích lễ cúng cô hồn.
Còn Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Vu-lan là từ viết tắt của Vu-lan-bồn cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa là cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana - chỉ sự khổ đau kinh khủng khi sa đoạ địa ngục.
Phật giáo cho rằng tinh thần cốt lõi nhất trong ngày lễ Vu Lan dịp Rằm tháng Bảy là chữ "hiếu". Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo cũng là con đường của mọi Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một Phật tử chân chính được.
Sự tích lễ cúng cô hồn tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".
Trong một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà tổ tiên và cũng để bố thí cho những linh hồn đói khát. Ở Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 để tỏ những ước nguyện của mình, người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.
TS. có thể cho biết cảm nhận của mình qua mỗi mùa Vu Lan?
TS Nguyễn Xuân Diện. |
TS. Nguyễn Xuân Diện: Trước đây, mỗi dịp Lễ Vu Lan tôi thấy người dân chỉ mua một ít tiền, vàng, một vài bộ quần áo tượng trưng để đốt cho ông bà, tổ tiên. Những năm gần đây, nhu cầu đốt vàng mã ngày càng tăng, trung bình mỗi nhà sắm mã cúng rằm khoảng 50.000đ/lễ, khá giả thì 200.000 - 300.000đ/lễ. Còn đối với các "đại gia" thì số tiền dành cho vàng, mã vài ba tới vài chục triệu đồng là bình thường.
Người ta đổ xô đi mua đủ các thứ hàng mã: nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, máy giặt, ti-vi, điện thoại, tiền vàng, quần áo… Năm nay tôi còn thấy trong các mặt hàng gửi cho người âm còn có cả thẻ tín dụng, Iphone, vé máy bay và hộ chiếu và cả mũ bảo hiểm..
Việc tổ chức lễ Vu Lan đã trở nên ồn ào và phô trương hơn so với thời gian trước.
Vậy Phật giáo có chủ trương đốt vàng mã ?
TS. Nguyễn Xuân Diện: Theo tôi được biết, thì đạo Phật không chủ trương đốt vàng mã. Có thể nói tục đốt vàng mã là do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Người Việt xuất phát từ quan niệm truyền thống “trần sao âm vậy” cho rằng con người khi chết đi thì vẫn còn những nhu cầu như người sống, ban đầu người ta chôn theo những vật dụng sinh hoạt theo người chết, sau đó để giản tiện hơn người ta làm tiền vàng bằng giấy và mã. Việc đốt vàng mã khi đó mang yếu tố tâm linh, chi phí cho một lễ tiền vàng cũng không đáng kể, nhưng tới hôm nay việc đốt vàng mã đã có rất nhiều biến đổi dẫn đến sự tốn kém, cùng với nguy cơ về cháy nổ và ô nhiễm môi trường.
Con số thống kê chưa đầy đủ cách đây nhiều năm của ngành văn hóa đã cho thấy có hơn 40.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã. Riêng ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lượng vàng mã đem "hóa" mỗi ngày lên tới hàng tạ, bằng 80-100 triệu đồng tiền thật. Rõ ràng, đây là một con số “biết nói”.
Được biết, trong ngày lễ Vu Lan năm 2009, một đại gia thầu cát xây dựng tại sông Hồng đã xác lập "kỷ lục" đốt vàng mã với việc bỏ ra hơn 400 triệu đồng thuê 6 người làm 1.000 người, ngựa giấy, đốt "tặng" Thổ công, Hà Bá mong các "ngài" phù hộ cho giá cát tăng...
Theo tôi việc đốt các loại giấy này là một hành động gây ô nhiễm môi trường nói chung và vệ sinh môi trường tại cộng đồng nói riêng. Đặc biệt là đối với khu dân cư tập trung đông người thì tàn tro của vàng mã đã trở thành một vấn nạn.
Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Công an Thành phố Hà Nội thì một trong những nguyên nhân của các vụ cháy là do người dân bất cẩn khi thắp hương và hóa vàng (14/43 vụ trong 3 tháng đầu năm 2009), sau các nguyên nhân về điện và sử dụng khí đốt hóa lỏng gas.
Chẳng biết “người âm” sẽ nghĩ gì khi cùng với một đống vàng mã đắt tiền là những lời khấn đặc mùi vật chất và thực dụng. Sự thiêng liêng của tâm linh, và đức tin trong mỗi người bỗng chốc trở nên ồn ào và khó hiểu.
Thay bằng việc đốt vàng mã một cách phô trương, mọi người hoàn toàn có thể làm rất nhiều việc có ý nghĩa thiết thực hơn như quan tâm tới cha mẹ, tới những bậc trưởng lão, tham gia thiện nguyện, nuôi dưỡng những người cô đơn khó khăn.
Lễ bái hoành tráng vì nhiễm hội chứng vĩ đại TS Trịnh Hòa Bình – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam: Việc nhiều người tin vào thần thánh có thể lý giải một phần vì họ chưa thỏa mãn cuộc sống thực tại, nên phải tìm đến những cái siêu nhiên, siêu thực để thỏa mãn khát khao. Mặt khác, việc cúng bái linh đình hiện nay cũng có nguyên nhân do hội chứng vĩ đại như: bánh chưng khổng lồ, chai rượu khổng lồ..., nên để trị bệnh, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội cần đi đầu tiết kiệm. Hoàng Tuân |
Thuận Phong