> Chưa thu phí hạn chế phương tiện trong năm 2012
"Không thể cứ để hạ cánh an toàn như vậy mãi, anh chỉ an toàn khi anh không có vấ8n đề gì mất an toàn lúc còn đương chức”- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng khóa VI, nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa 8, 9, 10 bày tỏ quan điểm như vậy với Tiền Phong.
Vị trí Ủy ban Kiểm tra phải được đặt đúng tầm
Nghị quyết Trung ương 4 đang được quán triệt mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, ông nghĩ gì về động thái kỷ luật cảnh cáo mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với hai ông Cao Minh Quang và Lữ Ngọc Cư?
Tôi nghĩ rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, khởi động lại tính tích cực, tính chiến đấu trong Đảng.
Xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, nó đồng thời thể hiện được quyết tâm của Đảng, quyết tâm đẩy lùi suy thoái, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo từ cấp cao.
Trước đây, UBKT T.Ư ít đưa ra công khai việc xử lý cụ thể, thường vẫn thông báo chung chung, cảnh cáo ông này ông khác chứ không nói tên rõ ràng.
Vì vậy, lần này cho thấy chức năng, quyền hạn, thực tế trách nhiệm của UBKT T.Ư và tạo ra một niềm tin, không phải Đảng nói rồi bỏ xuôi mà có kiểm tra và đã kiên quyết xử lý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi nói về sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ cấp cao, cho nên việc thực hiện Nghị quyết là cực kỳ khó khăn, nhạy cảm.
Nhưng cũng chính vì thế mà không thể không làm, và làm thì phải quyết liệt, kiên trì vì bệnh nặng thì không thể có một phương thuốc màu nhiệm nào chỉ chữa hôm nay ngày mai khỏi ngay.
Ông nghĩ sao về vai trò của cơ quan kiểm tra trong các cấp Đảng ủy thời gian qua, đặc biệt là trong thực tiễn hiện nay?
Tôi nghĩ bên cạnh việc điều hành thì cũng phải luôn có hệ thống giám sát, nếu không thì quyền lực sẽ rất dễ bị tha hóa. Nhưng thực tế từ những nhiệm kỳ trước chúng ta hạ thấp vai trò của UBKT, chưa đặt cơ quan này đúng tầm mà nó phải có.
Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì không phải là lãnh đạo. Khâu kiểm tra là khâu cuối của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Quá trình thực hiện một nhiệm vụ chính trị mà cuối cùng không kết luận được gì cụ thể thì thường sự việc sẽ bị lãng quên và những nhiệm kỳ trước rất nhiều việc đã bị lãng quên như thế.
Nhiều khi cũng không phải UBKT không làm nhưng vì cơ chế và quyền hạn của UBKT không rõ, nhất là cơ chế hoạt động. Thực hiện chức năng kiểm tra cũng là một yếu tố tạo lực cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Tới đây, tôi mong rằng hệ thống UBKT từ trung ương cho đến cơ sở, UBKT cấp tỉnh và ngang Bộ phải làm mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, có như vậy thì mới thể hiện được vai trò của mình trong quá trình xây dựng Đảng.
Làm sao chức năng kiểm tra, giám sát ngang bằng với việc điều hành, chứ nếu giám sát kiểm tra nằm trong điều hành hoặc điều hành nằm trên thì rất khó.
Đây có thể xem như hai nhánh của sự lãnh đạo tập trung, hai nhánh đó cùng song song phát triển, và chính điều đó tạo điều kiện cho các Nghị quyết của Trung ương được thực thi một cách nghiêm túc.
Ông nghĩ gì về những giải pháp cụ thể hơn để việc giám sát kiểm tra thời gian tới có hiệu quả?
Sau Nghị quyết Trung ương 4 thì hoạt động của UBKT đã rõ hơn, đó là điều mừng, trước mắt có thể tập trung ở cấp trung ương, các bộ ngành, nhưng tinh thần này cần được thể hiện xuống ở các cấp ủy cơ sở.
Trên không thuận thì dưới cũng không thuận, đầu chưa xuôi thì đuôi khó lọt.
Trong việc thực thi Nghị quyết cũng phải có trọng điểm, trước hết là cấp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đi kèm với đó là phải có sự giám sát của UBKT và người dân.
Tự phê bình phải công khai. Dân đẻ ra Đảng, Đảng bầu ra một cơ quan lãnh đạo cao nhất là Bộ Chính trị thì phải để cho dân giám sát.
Phải công khai để người dân góp ý, theo dõi và tạo áp lực cho việc phê bình và tự phê bình diễn ra hiệu quả, mang lại lợi ích thực chất.
Điều này là rất quan trọng vì tự phê bình và phê bình mà không kiểm tra, đánh giá thì bằng không.
Nhưng để làm được việc đó thì, UBKT phải có đầy đủ chức năng và quyền hạn để giám sát quá trình phê bình và tự phê bình đó. Nếu không chỉ phê bình vui vẻ với nhau, hình thành những nhóm lợi ích thì sợ rằng không mang lại hiệu quả thiết thực gì.
Chất vấn công khai trước dân
Chất vấn trong Đảng nên công khai như ở Quốc hội. Ảnh: TTXVN. |
Trong một số giải pháp đưa ra lần này có nói đến việc sẽ triển khai thực hiện chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp uỷ các cấp. Cá nhân ông đánh giá thế nào về điều này?
Tôi rất ủng hộ việc này và mong được triển khai nhanh chóng trong thời gian tới.
Đáng lẽ Đảng phải chủ trương tổ chức chất vấn trước cả Quốc hội. Đảng lãnh đạo thì Đảng phải tiên phong làm gương, đó là việc rất có ích để tăng cường giám sát.
Cán bộ mà đã biến chất rồi phải có những biện pháp hành chính, hình sự thích đáng, chứ tự phê bình với những người như thế là vô nghĩa - Ông Nguyễn Quốc Thước |
Tôi nghĩ rằng chính vì Đảng chưa chất vấn trong nội bộ nên chất lượng chất vấn ở Quốc hội cũng sẽ còn hạn chế. Vì có những vấn đề không phải UB Thường vụ Quốc hội trả lời được mà phải chờ Bộ Chính trị có ý kiến.
Như thế để nói rằng chất vấn đáng lẽ phải làm trước từ trong Trung ương Đảng rồi. Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị thì phải chất vấn Đảng trước, đó là điều hợp lý.
Từ những trăn trở của một Đảng viên lâu năm, để cho Nghị quyết đi vào cuộc sống ông thấy còn có điều quan trọng gì chúng ta cần phải làm?
Tất nhiên là có nhiều yếu tố nhưng trước hết Đảng phải tự nhìn nhận lại mình, xác định lại mình đang đứng ở vị trí nào, đang làm gì và đã làm như thế nào.
Tự phê bình nếu không nghiêm túc thì chất vấn bây giờ phải chuyển sang giai đoạn thực thi luật pháp.
Cán bộ mà đã biến chất rồi phải có những biện pháp hành chính, hình sự thích đáng, chứ tự phê bình với những người như thế là vô nghĩa.
Lâu nay cũng có một quan điểm là về hưu hay thôi chức là có thể “hạ cánh an toàn”, không còn trách nhiệm gì nữa. Như thế là không được.
Không thể cứ để “hạ cánh an toàn” như vậy mãi, anh chỉ an toàn khi anh không có vấn đề gì “mất an toàn” lúc còn đương chức.
Xin cảm ơn ông.
Cao Nhật