Không phát triển bền vững sẽ tụt hậu

Không phát triển bền vững sẽ tụt hậu
TPO - Các chính trị gia, học giả và cả những ông chủ đại diện cho những tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, đều bày tỏ quan điểm trên, tại hội thảo về phát triển bền vững (SD), vừa kết thúc tại Thái Lan.

Không có lựa chọn khác

Dự hội nghị, bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan, chia sẻ chủ thuyết phát triển kinh tế của Thái Lan qua các thời kỳ.

“Từ kế hoạch thứ 8 (1997 đến 2001) Thái Lan đã chú trọng vào phát triển bền vững và tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái và tiêu thụ hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đến kế hoạch thứ 9 (2002 đến 2006) giới thiệu triết lý về Nền kinh tế vừa đủ của Vua Bhumibol Adulyadej, như là định hướng cho đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế mà lấy lại sự cân bằng”, Bà Yingluck nói.

Giai đoạn sau đó (2007 đến 2010), triết lý của nhà vua về nền kinh tế vừa đủ vẫn tiếp tục được sử dụng cho các kế hoạch phát triển nơi nguồn tài nguyên con người là chủ chốt. Kế hoạch bao gồm nỗ lực của nhiều bộ phận xã hội tham gia vào tất cả các giai đoạn của kế hoạch. Theo bà Yingluck, tới đây chắc chắn phát triển bền vững sẽ tiếp tục giữ vai trò ngày càng quan trọng khi mà Thái Lan sẽ đứng giữa rất nhiều thay đổi toàn cầu”.

Tiến sĩ Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, cho biết: Ngày 6-10 tới, tổ chức chống biến đổi khí hậu của Châu Âu sẽ kiến nghị, thực hiện đo lượng khí thải Carbon thải ra môi trường của máy bay khi bay vào Châu Âu, để tính thuế. Ví dụ, để bay từ Hồng Kông sang Luân Đôn, mỗi hành khách phải trả 8 USD cho EU. Số tiền này sẽ được sử dụng nhằm mục đích giảm lượng Carbon đã được thải ra.

“Trái đất đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khủng hoảng: Khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng dân số, khủng hoảng đói nghèo...Bởi thế, SD không phải là một sự lựa chọn, mà là con đường duy nhất mà cộng đồng Asean phải hướng tới. Chỉ có điều, các nước phải ngồi bàn với nhau con đường đi thế nào để thành công thôi”, ông Surin nói.

Theo ông Surin, SD là xu hướng đang được cả thế giới quan tâm và sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong việc quyết định việc thương mại giữa các quốc gia với nhau như: Úc đưa ra quy định rằng sẽ không mua những hàng hóa tiêu dùng mà có thành phần từ dầu cọ, bởi việc trồng cọ sẽ gây hại cho sự đa dạng sinh học của môi trường.

Cách nào sản xuất xanh?

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh phát triển bền vững trên thế giới (WBCSD), ông Bjorn Stigson, đưa ra chủ thuyết “Phát triển bền vững, thành công chủ đạo cho doanh nghiệp”.

Ông cho biết, hiện WBCSD có 200 thành viên đều là các tập đoàn lớn trên thế giới. Môi trường sẽ thành vấn đề cạnh tranh gay gắt của các nền kinh tế trên thế giới và doanh nghiệp. Muốn thắng trong cuộc cạnh tranh này, phải thắng trong cuộc cạnh tranh về màu xanh.

“Hơn 10 năm qua, tôi tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc và họ đang đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch. Nếu như 4 năm trước Mỹ chiếm đến 40% năng lượng được sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch (gió, điện mặt trời) thì nay Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, khi tỷ lệ năng lượng sạch chiếm tới 50%. Tới đây, việc đánh thuế khí thải là tất yếu”.

Chủ tịch &CEO Tập đoàn SCG trả lời phỏng vấn các phóng viên Việt Nam
Chủ tịch &CEO Tập đoàn SCG trả lời phỏng vấn các phóng viên Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều doanh nghiệp thắc mắc là sản phẩm gần gũi môi trường, thường có chi phí cao, giá bán cao hơn từ 15-20%, nên khó được người tiêu dùng chấp nhận. Thừa nhận thực tế này, song theo ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch&CEO của Tập đoàn SCG (Thái Lan), doanh nghiệp đi đầu tại Thái Lan về sản xuất xanh, muốn giảm được giá thành, doanh nghiệp phải đầu tư vào cải tiến công nghệ.

“Ban đầu chúng tôi phải nhập công nghệ nước ngoài, nên chí phí giá thành rất cao. Nhưng nay chúng tôi tự nghiên cứu được công nghệ, đã kéo được giá thành xuống, sản phẩm có giá rẻ hơn. Nên ngày càng có nhiều người mua những sản phẩm từ công nghệ sản xuất xanh, doanh nghiệp có lãi. Hiện mỗi năm SCG đầu tư hàng tỷ bath cho các dự án phát triển xanh của tập đoàn. Như các nhà máy sản xuất xi măng của SCG tại Thái Lan, đều được xử lý khép kín. Lượng nhiệt từ nhà máy thải ra được dùng để sản xuất điện cung cấp cho chính nhà máy và người dân quanh vùng”, ông Kan nói.

Theo ông Kan, hiện nhà máy giấy của SCG tại Bình Dương, cũng được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tiên tiến hàng đầu thế giới. Nước thái từ nhà máy có thể tái sử dụng. So sánh với các nhà máy giấy khác tại Việt Nam, nhà máy giấy của SCG có hệ thống xử lý nước thải tiên tiến nhất.

Còn ông Vitool Viraponsavan, Chủ tịch kiêm CEO của Cty Plan Toys, chuyên sản xuất đồ chơi của Thái Lan, chia sẻ kinh nghiệm, để giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường, quanh nhà máy sản xuất Cty trồng 10.000 cây xanh, để có thể hấp thụ khí CO2 thải ra hàng ngày. Sản phẩm của chúng tôi chỉ xuất sang Châu Âu và rất được ưa chuộng.

“Rõ ràng rằng trong thế giới hiện nay, các đơn vị tư nhân, nhà nước và các bộ phận nhà nước không thể đạt được ích lợi một mình. Chúng ta đồng thời cần phải nhìn vào sự hạnh phúc của xã hội, và sự bền vững của các nguồn tài nguyên. Thiếu tầm nhìn để kết nối các hoạt động, các tổ chức không thể tiếp tục bền vững. Hình ảnh và thanh danh của bất cứ tổ chức nào phụ thuộc vào niềm tin của xã hội”. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Theo Viết
MỚI - NÓNG