'Không phát hiện muỗi' nơi cô gái Hàn Quốc nhiễm Zika lưu trú tại TP HCM

Nơi nữ bệnh nhân Hàn Quốc nhiễm virus Zika lưu trú khi ở TP HCM. Ảnh: Trần Ngoan.
Nơi nữ bệnh nhân Hàn Quốc nhiễm virus Zika lưu trú khi ở TP HCM. Ảnh: Trần Ngoan.
Cơ quan chức năng hôm nay kiểm tra môi trường quanh khu vực cô giáo Hàn Quốc nhiễm Zika từng sống và làm việc tại TP HCM, ghi nhận "không phát hiện muỗi hay loăng quăng". 

Hôm 11/5, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM và quận 7 kiểm tra đột xuất nơi cô gái Hàn Quốc nhiễm virus Zika từng sinh sống và làm việc ở quận 7 từ ngày 10 đến ngày 30/4. Vài ngày sau đó, nữ giáo viên sinh năm 1990 trở về nước và được ngành y tế Hàn Quốc xác nhận dương tính với virus Zika.

Ông Nguyễn Lê Đăng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 cho biết, nhận được thông báo từ phía Hàn Quốc thông qua cơ quan đầu mối Việt Nam, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng quận 7 triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi ở và làm việc của bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những ngày qua, nhân viên y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ tại các nơi bệnh nhân lui tới, phun xịt thuốc diệt muỗi, loăng quăng đồng thời truyền thông phòng chống dịch bệnh và tăng cường giám sát phát hiện sớm các ca mắc mới.

Kết quả điều tra nơi cư trú và làm việc của bệnh nhân cho thấy môi trường thông thoáng, sạch sẽ, khuôn viên không có nhiều vật chứa nước, không phát hiện loăng quăng và muỗi. 2 hòn non bộ chưa sử dụng có đọng nước. Trong phòng làm việc của bệnh nhân không có vật dụng chứa nước. Một số giáo viên phản ánh ở phòng tập thể dục và nhà thi đấu của trường có nhiều muỗi và loăng quăng, bên ngoài khuôn viên có 2 bãi đất trống. Dù vậy tại thời điểm kiểm tra, đoàn không phát hiện có muỗi.

Trong thời gian sống tại TP HCM, nữ giáo viên không có các biểu hiện nhiễm bệnh Zika. Cô làm việc hành chính cùng 6 nhân viên khác đều chưa từng có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Zika.

Đại diện Trường Quốc tế Hàn Quốc cho biết tại đây có 60 lớp học với trên 1.500 học sinh, 180 giáo viên, công nhân viên, không có phụ nữ mang thai. Hàng tháng trường đều phun hóa chất diệt côn trùng định kỳ. Cô giáo Song từng sống chung với một nữ giáo viên của trường trước khi được phát hiện nhiễm virus Zika, đến nay nữ giáo viên kia vẫn khỏe mạnh. Nhân viên y tế của trường theo dõi số trẻ nghỉ học trong vòng một tháng nay không phát hiện trường hợp nào bị sốt, phát ban, sốt xuất huyết.  

'Không phát hiện muỗi' nơi cô gái Hàn Quốc nhiễm Zika lưu trú tại TP HCM ảnh 1

Cơ quan chức năng làm việc cùng ban lãnh đạo trường Quốc tế Hàn Quốc. Ảnh: Trần Ngoan.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố nhận định nhiều khả năng virus Zika đã lưu hành tại quận 7. Để phòng tránh lây lan, ông đề nghị ngành y tế địa phương triển khai công tác diệt loăng quăng trong vòng một tháng, mở rộng tầm soát những trường hợp sốt phát ban để tăng khả năng phát hiện Zika. Riêng ở những khu chung cư cao cấp chỉ nên phun xịt hóa chất diệt muỗi chung quanh khuôn viên, điều quan trọng nhất là tuyên truyền giáo dục cho từng hộ gia đình nâng cao ý thức tự diệt loăng quăng trong nhà để muỗi không có cơ hội sinh sôi, phát triển và truyền bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng khả năng cô giáo Hàn Quốc nhiễm bệnh từ khi ở nước ta là rất cao, do vậy tốt nhất nên xem đây là một ca nhiễm tại Việt Nam để tích cực xử lý và đề phòng nguy cơ lây lan thành dịch. Ông yêu cầu các cơ sở y tế địa phương tăng cường giám sát những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ nhiễm để lấy mẫu máu gửi về Viện Pasteur xét nghiệm sớm. Bên cạnh đó cần truyền thông để người dân hiểu rõ về virus Zika, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, nên đến khám tại bệnh viện quận để được lấy mẫu máu xét nghiệm ngay. 

Tờ Koreatimes đưa tin, ca nhiễm virus Zika thứ tư tại nước này là một cô gái 25 tuổi vừa trở về từ Việt Nam. Bệnh nhân làm việc tại TP HCM từ ngày 10 đến 30/4 và về nước ngày 1/5. Ngày 4/5, cô đến một bệnh viện tại Incheon điều trị bệnh tuyến giáp sau khi có biểu hiện sốt và đau khớp. Tại đây, các bác sĩ phát hiện cô nhiễm virus Zika. Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc (KCDC) nghi ngờ bệnh nhân bị muỗi đốt trong khoảng thời gian tại Việt Nam.

Trước đó, đầu tháng 4, Việt Nam phát hiện 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên gồm một người phụ nữ 64 tuổi tại Nha Trang, Khánh Hòa và một thai phụ 33 tuổi ở quận 2, TP HCM. Thai phụ này sau đó đã kết thúc thai kỳ do kết quả siêu âm không có tim thai. Cuối tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo Australia xác nhận một trường hợp nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam.

Virus Zika tồn tại từ lâu, gần đây bùng phát mạnh mẽ nhất là khu vực châu Mỹ. Virus Zika bị cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến và truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục, đàn ông cũng có thể mắc.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.