Theo quy định về kết quả phiếu bầu thì một đại biểu trúng cử phải thỏa mãn các điều kiện nào thưa ông?
Theo quy định, một đại biểu trúng cử thì trước tiên phải đạt trên 50% phiếu bầu. Trong cùng một bảng, nếu tất cả mọi người đều đạt trên 50% sẽ chọn tỷ lệ từ cao xuống thấp. Chẳng hạn trong một bảng 5 người bầu chọn 3, nếu cả 5 người đều đạt trên 50%, thì ba người có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất sẽ trúng cử, hai người còn lại thấp hơn sẽ bị loại. Còn trong trường hợp có ba người dưới 50% (đương nhiên bị loại) thì bảng đó không đạt đủ sống lượng theo quy định.
Trong trường hợp không đạt đủ số lượng theo quy định như vậy thì hướng giải quyết sẽ ra sao, liệu có bầu bổ sung cho đủ?
Việc này phải căn cứ vào tình hình cụ thể, lúc đó Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét, quyết định xem có bầu thêm hay không. Luật đã quy định rõ về việc bầu lại, bầu thêm nếu thiếu ĐB. Đối với HĐND cấp tỉnh, huyện, xã, tỷ lệ ĐB trúng cử chỉ đạt dưới 2/3 thì sẽ phải tiến hành bầu thêm. Còn với ĐBQH, trong luật cũng chỉ ghi bầu khoảng 500 ĐBQH và không nhất thiết phải bầu đủ 500 người, nếu chỉ thiếu một vài người thì không cần phải bầu lại.
Trong trường hợp nếu có những trường hợp xin rút vì thấy kết quả thấp thì sẽ giải quyết ra sao thưa ông?
Theo tôi chắc sẽ không bao giờ có chuyện đó vì người ta chỉ quan tâm đến việc trúng cử hay không chứ ít quan tâm đến tỷ lệ cao thấp, vì thế sẽ không vì tỷ lệ phiếu bầu cao thấp mà xin rút.
Trong thời gian 30 ngày sau khi công bố kết quả bầu cử, nếu có đơn thư khiếu nại về đại biểu trúng cử thì trong trường hợp nào người đó sẽ bị hủy kết quả?
Theo quy định, sau khoảng 20 ngày bầu cử sẽ công bố kết quả và sau 30 ngày từ khi công bố (tổng cộng là 50 ngày) sẽ tiếp nhận các đơn thư phản ánh, khiếu nại. Khi có vấn đề khiếu nại trong thời gian quy định, sau khi xác minh làm rõ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ quyết định việc này.
Cảm ơn ông.