Không dùng ngữ liệu SGK để ra đề văn: Giáo viên nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm học tới, sẽ không còn sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa (SGK), giáo viên đi dạy bây giờ không thể dạy tủ, học sinh không học tủ được. Giáo viên bắt buộc phải tìm hiểu, phải đọc để có được ngữ liệu dạy học sinh. Học sinh cũng không bị...học thuộc lòng các bài ở trong sách giáo khoa để đến lúc thi là làm theo nữa.

Nhiều trường đã áp dụng

Theo nhiều giáo viên cũng như các nhà lãnh đạo các trường, việc không dùng ngữ liệu SGK để ra đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn đã được triển khai từ lâu.

Cô Nguyễn Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hà Nội cho rằng, quy định này đúng định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặt khác, trong mấy năm qua đã có những giải thích và hướng dẫn thực hiện chương trình cụ thể.

“Việc không dùng ngữ liệu ở sách giáo khoa đã được thực hiện 3 năm nay rồi. Giáo viên cũng đã quen với điều này. Học sinh cũng thế. Đây không phải là thông tin bất ngờ, bàn về việc khó thực thi hay không nữa”- vị Hiệu trưởng này nhấn mạnh.

Một giáo viên ngữ văn cấp 3 tại một trường có tiếng tại Hà Nội, cũng cho biết, có một thực tế, 3 năm trở lại đây, rất nhiều trường không còn dùng ngữ liệu SGK trong đề kiểm tra định kỳ. Giáo viên đã cho đề theo hướng này để học sinh làm quen với cách kiểm tra, đánh giá mới.

Tại một số trường THCS, THPT công lập hay tại các trường tư tại Hà Nội, đề kiểm tra học kỳ môn ngữ văn từ 3 năm nay không còn sử dụng ngữ liệu SGK.

Các giáo viên nhấn mạnh, đã đến lúc có thể chấm dứt tình trạng học vẹt, học tủ của học sinh khi không còn tình trạng học tác phẩm nào thi vào tác phẩm đó như nhiều thập kỷ qua.

Hay nhưng khó

Tuy nhiên, các giáo viên cho rằng, khi dạy chương trình sách giáo khoa 2018, giáo viên Ngữ văn gặp những khó khăn không nhỏ.

Giáo viên bắt buộc phải tìm hiểu, phải đọc để có được ngữ liệu dạy học sinh. Học sinh cũng không bị...học thuộc lòng các bài ở trong sách giáo khoa để đến lúc thi là làm theo nữa.

Trước kia, chương trình cũ, giáo viên sẽ lường trước mọi vấn đề liên quan đến kiến thức, nhưng giờ đây, có những tình huống, có những đơn vị kiến thức mà bản thân mình phải mày mò rất nhiều mới có thể hướng dẫn để học sinh hiểu.

Từ khi áp dụng dạy chương trình mới, giáo viên dạy môn Ngữ văn sẽ bận hơn vì phải đọc nhiều, tích cóp tư liệu để làm các phiếu học tập cho học sinh.

Cá nhân học sinh cũng phải tự học, tự đọc nhiều hơn, từ đó phát huy năng lực bản thân tốt hơn.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức các kì thi, người ra đề không còn bị bó hẹp phạm vi ngữ liệu, nội dung câu hỏi có thể đa dạng hơn. Người chấm thi sẽ khách quan hơn nữa khi không bị chi phối bởi những kết luận vốn đã quen về những tác phẩm trong SGK.

“Đề thi lấy ngữ liệu ngoài thì có rất nhiều cái hay, nhưng mà khó. Điều này đòi hỏi cả người dạy và người học đều phải tích cực đọc sách. Tìm đến những tác phẩm văn học, những bài viết thuộc các thể loại được học để tìm hiểu, từ đó sẽ có thói quen không dựa dẫm vào văn mẫu”- nhiều giáo viên nhấn mạnh.

Theo Bộ GD&ĐT, kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ hoàn toàn đổi mới so với trước đây. Thí sinh sẽ thi 4 môn gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong 3 buổi thi. Đặc biệt, môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, chấm dứt đồn đoán đề thi.

MỚI - NÓNG