Phóng viên trao đổi với thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long - giảng viên Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, cố vấn phòng tham vấn học đường (thuộc Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM).
Một số học sinh thường nghiêm trọng hóa những lỗi lầm của mình và cho rằng người lớn sẽ trừng phạt rất nặng, từ đó dẫn đến việc học sinh có những hành động liều lĩnh. Có thể giúp bạn trẻ vượt qua điều này thế nào?
Điều đầu tiên phải khẳng định tuổi càng nhỏ thì càng khó đơn giản hóa lỗi lầm, càng thiếu kinh nghiệm sống thì càng khó đứng lên từ thất bại. Quan trọng là người lớn phải giúp đỡ các em bằng cách không xoáy sâu vào lỗi lầm mà tập trung vào cách khắc phục lỗi.
Bản thân các học sinh khi mắc lỗi cũng cần lưu ý rằng lỗi lầm là một phần tất yếu trong cuộc sống, vậy nên đừng trầm trọng hóa mọi việc. Khi đã nhận ra lỗi, chứng tỏ bạn là người dũng cảm vì không phải ai cũng làm được điều đó. Và bạn sẽ càng dũng cảm hơn khi dám chia sẻ lỗi lầm ấy với người khác để bạn có thể "giải phóng" cảm xúc.
Hãy tìm một người mà bạn tin cậy để có thể nhận được lời khuyên. Cần hạn chế tìm đến bạn bè vì sẽ khó tìm được lời khuyên hữu hiệu từ người cùng trang lứa với bạn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dành cho mình một khoảng thời gian để suy nghĩ về cách sửa chữa lỗi lầm ấy. Hãy nghĩ về giải pháp chứ không phải chuyện đã xảy ra vì điều ấy đã thuộc về quá khứ.
Theo anh, những yếu tố nào có thể khiến học trò dễ có những hành động liều lĩnh khi gặp "sự cố"?
Theo tôi, có ba nguyên nhân khách quan. Thứ nhất là sự phát triển tâm lý của lứa tuổi. Ở tuổi dậy thì, các em đang phát triển những phẩm chất nhân cách mới của lứa tuổi, thường khó làm chủ cảm xúc, dễ xung đột với người xung quanh.
Thứ hai là sự hạn chế những giao tiếp trực tiếp giữa cha mẹ với con cái, giáo viên với phụ huynh. Điều này một phần do quỹ thời gian hạn hẹp của người lớn bởi phải chia sẻ cho nhiều mối quan tâm, một phần vì có nhiều phương tiện giao tiếp gián tiếp như điện thoại, Internet...
Thứ ba là việc giáo dục hiện nay đang quá chú trọng kiến thức mà chưa đầu tư thích đáng cho việc giáo dục những giá trị sống đích thực. Học sinh phải học quá nhiều nên ít thời gian để giải trí, cân bằng đời sống tinh thần. Ngay cả khi giải trí, nhiều em lại chọn những hoạt động ít mang tính tương tác trực tiếp người với người hoặc ít góp phần phát triển những giá trị sống tích cực.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long - giảng viên Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM. Ảnh: Trung Uyên. |
Bên cạnh đó còn có ba nguyên nhân chủ quan. Thứ nhất, một số học sinh thiếu kỹ năng chia sẻ và bộc lộ cảm xúc, nói rộng ra là kỹ năng giao tiếp, tương tác với người khác. Nhiều em chơi theo nhóm, cùng lúc tham gia nhiều nhóm, nhưng khi gặp khó khăn thì không biết tìm ai tâm sự vì người quen thì nhiều nhưng bạn chí cốt thì không có.
Thứ hai, một số học sinh hay xem mình làm trung tâm nên khi mắc lỗi hay thất bại thì tự trách mình, thậm chí trách cả cuộc đời.
Thứ ba, một số học sinh không đánh giá hết hậu quả hành động của mình nên cứ nhắm mắt làm khi cảm xúc dâng trào.
Không ít học sinh khi gặp khó khăn chỉ chia sẻ với bạn bè. Người lớn làm sao biết trẻ đang gặp vướng mắc gì về tâm lý trong khi trẻ "kín như bưng"?
- Có ba bước để người lớn hóa giải điều này. Thứ nhất, phụ huynh phải đánh giá và nhận diện được nét tâm lý chính của con mình. Giáo viên phải quan sát và phân loại học sinh thành những nhóm như nhóm nhạy cảm, nhóm mạnh mẽ... để kịp thời phát hiện những biểu hiện lạ của trẻ.
Chúng ta cần nhìn nhận khách quan rằng những sự việc học trò có hành động tự gây nguy hiểm cho bản thân vì bức xúc, lo lắng, bị dồn nén cảm xúc... chỉ là thiểu số. Nhưng đó thật sự là hồi chuông cảnh báo để phụ huynh nhìn lại cách dạy, cách sống với con cái; giáo viên nhìn lại cách giáo dục, gần gũi học trò - thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long |
Bước hai, cần nhận diện để phát hiện vấn đề của trẻ. Khi gặp sự cố, trẻ sẽ thường có phản ứng tâm lý ngược với ngày thường. Ví dụ, ngày thường trẻ hoạt bát, nhanh nhẹn, bỗng hôm nay trở nên lầm lũi; ngày thường trẻ trầm tĩnh, bỗng hôm nay trở nên bồn chồn, đứng ngồi không yên...
Bước ba, có giải pháp để giúp trẻ vượt qua khủng hoảng. Có thể thử các giải pháp sau. Hỏi trực tiếp trẻ, tránh hỏi những câu hỏi đóng, mang tính khẳng định (ví dụ: Con có chuyện gì, nói mẹ nghe xem nào?). Hãy hỏi những câu hỏi mở, mang tính phỏng đoán (ví dụ: Hình như hôm nay con có gì khang khác phải không?).
Cách thứ hai là phụ huynh hãy kể cho trẻ nghe một tình huống tưởng tượng mà phụ huynh phỏng đoán có thể trẻ đang gặp phải. Sau khi kể xong câu chuyện đó, phụ huynh hãy kết nối với trẻ bằng cách bày tỏ mong muốn được lắng nghe trẻ nếu trẻ gặp vấn đề tương tự.
Cách thứ ba là phụ huynh hãy khéo léo bám sát hoạt động của con, thăm dò qua thầy cô, bạn bè để biết trẻ đang gặp vấn đề gì và hỗ trợ trẻ kịp thời.
* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Theo Trung Uyên
Tuổi Trẻ