>> Bị chặn phạt hơn nửa tỷ đồng giữa biển
>> Biển khơi mùa "giông bão"
>> “Lập tức phải có ứng xử cấp bách và lâu dài”
Những ngư dân Lý Sơn vừa được thả về để tìm tiền nộp phạt. Ảnh: PV |
Không thể nhanh gọn bằng cách nộp tiền
Theo anh Dương Văn Thọ (tàu QNg 6597), từ khi bị bắt ngày 16/6 tới lúc ký xong biên bản, thông dịch viên tiếng Việt hầu như không nói chuyện với ngư dân Việt Nam.
“Chúng tôi không dám hỏi vì sao phải ký, vì sợ quá” - Anh Thọ nhớ lại. Từ những thông tin chúng tôi thu thập được từ ngư dân Lý Sơn và các biên bản buộc nộp phạt, có vẻ như phía bắt giữ muốn giải quyết nhanh thông qua việc nộp phạt.
Theo biên bản nộp phạt, tên ngân hàng mà ngư dân Việt Nam phải nộp tiền vào là: Bank Of China San Ya Branch Hai Nan (đóng tại Tam Á - Hải Nam). Người nhận Fu Zhu. Địa chỉ ngân hàng đơn vị: số 15 - đường Đông Hà Tây, TP Tam Á. số TK: 780166020005704.
Số tài khoản này trùng với số tài khoản và địa chỉ nộp phạt trước đó của một số tàu cá Lý Sơn bị phía Trung Quốc bắt giữ.
Chánh Văn phòng UBND xã An Hải (Lý Sơn) Nguyễn Chí Thanh, cho biết, khi nhận được đơn thư kêu cứu của ngư dân, ông lập tức gửi lên cấp trên, đồng thời theo số điện thoại mà phía Trung Quốc cho người nhà ngư dân, ông nhiều lần gọi vào số 0861387630468 và gặp được người thông dịch viên.
Người này cũng chỉ thông báo một câu: Chúng tôi đã bắt tàu của người nhà các anh. Trong vòng 10 ngày hãy đưa tiền đến nộp để được thả về.
“Tuy nhiên, theo tôi, lần này không thể nhanh gọn bằng cách nộp tiền phạt - ông Thanh khẳng định - nộp phạt thì chỉ còn cách bán nhà, hơn nữa ngư dân không còn dám ra ngư trường thì sống bằng cách gì?!”.
Nếu tình hình kéo dài, ngư trường chúng ta sẽ bị thu hẹp
Đơn kêu cứu của ngư dân Lý Sơn |
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, hiện cả tỉnh có khoảng 5.000 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó trên 1.200 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, có công suất trên 90CV.
Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi - Đại tá Bùi Phụ Phú - cho biết, ngư trường của ngư dân đánh bắt xa bờ Quảng Ngãi là vùng biển vịnh Bắc Bộ, quần đảo Trường Sa, vùng biển phía Nam và vùng quần đảo Hoàng Sa.
Trong đó, vùng Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, tập trung nhiều nhất tàu đánh bắt xa bờ, đặc biệt của ngư dân huyện đảo Lý Sơn và một số ít tàu của ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn).
Đại tá Phú cho hay, chuyện hai tàu cá và 12 ngư dân huyện Lý Sơn đang bị bắt giữ ngoài khơi không phải chuyện mới, bởi mấy năm qua, nhiều tàu bị bắt và hầu hết ngư dân phải nộp tiền phạt.
“Phía Malaysia hay Indonesia, khi bắt tàu ngư dân Việt Nam đều giải quyết thông qua ngoại giao. Còn phía Trung Quốc, ngoài một số trường hợp giải quyết qua ngoại giao, còn lại họ bắt ngư dân nộp phạt mới thả về. Nộp phạt là việc làm tự phát của một số ngư dân, bởi từ trước đến nay chưa có cơ quan chức năng nào hướng dẫn ngư dân nộp tiền phạt cả” - Ông Phú nói.
Vậy trong vụ này, nếu không nộp tiền phạt, ngư dân còn có cách nào?
Theo Đại tá Bùi Phụ Phú, chỉ có cách đấu tranh thông qua con đường ngoại giao. Cũng theo Đại tá Phú, khó khăn trong vấn đề này là phía tàu Trung Quốc thường bắt tàu mình một chỗ, nhưng khi lập biên bản lại ở toạ độ khác.
Sau đó, người dân buộc phải ký biên bản vi phạm. Không có trường hợp nào không ký. Điều này gây phần nào khó khăn cho các cơ quan chức năng Việt Nam khi vào cuộc giải quyết.