Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha nói rằng, việc triển khai “cần tránh phô trương, hình thức, tốn kém”, đặc biệt, không nên làm phân tán, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của nhân dân như cùng một nội dung mà người dân phải nghe phổ biến từ nhiều tổ chức, đoàn thể khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để tránh lãng phí tiền của hoặc làm phô trương, nên có đề án cụ thể tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, trong đó nêu rõ chỉ tiêu kinh phí, cách thực hiện.
Bãi bỏ văn bản không phù hợp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, TANDTC, Viện KSNDTC... trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp. “Cần kịp thời điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cho phù hợp với quy định mới của Hiến pháp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp”, ông Lý nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói: “Những quy định trái với Hiến pháp cần được bãi bỏ và phải được ưu tiên làm ngay, sau đó là rà soát để bổ sung, sửa đổi quy định liên quan và ban hành quy định mới”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, nên ưu tiên hàng đầu nhóm quy định liên quan hệ thống bộ máy nhà nước, phải rà soát, không để việc điều hành có gì trái Hiến pháp. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý bảo đảm đầy đủ các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, nếu động chạm đến những quyền này, có thể sẽ gây bất ổn cho xã hội.
Không để Hiến pháp chờ luật
Đa số ý kiến tán thành việc ban hành nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn thi hành Hiến pháp. Theo đó, việc triển khai thi hành Hiến pháp phải kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh: “Không thể vì đợi các luật mà để xảy ra tình trạng vi hiến”.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, một trong những yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo sự thống nhất và ổn định trong điều hành đất nước.
“Các văn bản pháp luật cần được sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành ngay để các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp như việc Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng; việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các tòa án; việc UBTVQH phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền; việc UBTVQH quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương …”, bà Phóng lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị thành lập cơ quan đầu mối để đôn đốc, phối hợp thi hành Hiến pháp. Cơ quan đầu mối này giúp việc UBTVQH nhằm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp đôn đốc việc triển khai kế hoạch thi hành Hiến pháp. Ngoài ra, nghị quyết hướng dẫn việc triển khai, thực thi Hiến pháp cần sớm được ban hành, trong đó xác định rõ những loại việc cần làm ngay như ra các quy định về phong hàm cấp tướng, chia tách địa giới, bổ nhiệm thẩm phán... Đối với loại việc khác, có thể dùng một luật để sửa nhiều luật.