Không dạy trước chương trình năm học mới

Không tổ chức dạy học trước khai giảng năm học mới 2020 - 2021 Ảnh: Diệp An
Không tổ chức dạy học trước khai giảng năm học mới 2020 - 2021 Ảnh: Diệp An
TP - Ngày 30/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2020. Tại cuộc họp này, rất nhiều vấn đề của giáo dục mà báo chí quan tâm được lãnh đạo các vụ, cục của Bộ GD&ĐT giải đáp. 

Rút ngắn năm học xuống còn 35 tuần

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT  cho biết, năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT điều chỉnh chương trình khung năm học đến ngày 15/7; thi tốt nghiệp THPT lùi đến 9-10/8, do đó học sinh có ít thời gian nghỉ hè. Bộ GD&ĐT ấn định lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 trên toàn quốc diễn ra ngày 5/9. Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, các nhà trường được tập trung học sinh tuy nhiên không được dạy trước chương trình, không được tập trung trước 1/9.

Cũng theo ông Thành, theo tính toán của Bộ GD&ĐT, năm học tới, kể từ ngày khai giảng đến 31/5, có 38 tuần, trong đó 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ còn 37 tuần. Tuy nhiên, năm nay, Bộ GD&ĐT quy định rút ngắn chương trình tiểu học, THPT xuống 35 tuần (so với hiện hành là 37 tuần), 2 tuần còn lại là thời gian dự phòng. Căn cứ vào chương trình khung đó, các địa phương tự xây dựng kế hoạch năm học phù hợp.

Quyết định ban hành khung chương trình năm học được áp dụng từ 2020 đến 2021 về sau đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ trên quan điểm, kéo dài thời gian nghỉ hè cho học sinh. Theo đó, Bộ GD&ĐT quán triệt các địa phương, trường học, không được dạy trước chương trình năm học, thay vào đó các nhà trường tăng hoạt động trải nghiệm, giúp học sinh phát triển năng lực theo đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trả lời băn khoăn của báo chí về việc năm nay học sinh lớp 1, lứa đầu tiên áp dụng đổi mới chương trình, SGK, các em cần có thời gian làm quen với sách, nếu học muộn có bị ảnh hưởng so mọi năm hay không, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nói rằng chương trình học hiện nay là 35 tuần, vì thế các trường có 3 tuần để dự phòng và nghỉ các ngày lễ. Vì vậy, ông khẳng định, các nhà trường yên tâm khai giảng đúng ngày.

Không bố trí giáo viên dạy lớp 1 nếu không qua bài kiểm tra

Tại buổi họp báo, ông Thái Văn Tài cho biết, đến ngày 30/5, Bộ GD&ĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GD&ĐT báo cáo kết quả lựa chọn SGK của các trường tiểu học. Kết quả cho thấy, tất cả các đầu SGK được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn; 62 địa phương chọn SGK ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ.  

 Ông Thái Văn Tài cũng cho hay, qua quá trình khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố, thấy các địa phương làm rất sáng tạo về lựa chọn SGK. Có tỉnh yêu cầu nhà trường phải cung cấp đầy đủ 5 bộ SGK với cơ số vừa đủ trong thư viện để giáo viên, học sinh tham khảo. Thậm chí mỗi giáo viên lớp 1 được trang bị đầy đủ 5 bộ sách để có thể xây dựng lên bài giảng phong phú bám sát theo quy định của chương trình.

Về công tác bồi dưỡng giáo viên, đến nay đã hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng cho 800 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán và 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, 11.000 tổ trưởng chuyên môn, 1.028 cán bộ quản lý sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT.

Ông Thái Văn Tài cho biết mỗi giáo viên lớp 1 phải trải qua 2 đợt tập huấn: tập huấn chương trình và tập huấn SGK. “Sau khi tập huấn xong, với 2 trường hợp không tham gia được tập huấn hoặc không qua được bài kiểm tra sau khi tập huấn thì yêu cầu các trường không bố trí dạy lớp 1 năm nay. Như vậy, các trường khi cử giáo viên lớp 1 đi tập huấn phải dư 1,5”, ông Tài nói.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh quan điểm, năm nay sẽ cho kiểm tra, xử lý các đơn vị không thực hiện đúng quy định về tựu trường, dạy học đúng thời gian quy định. 

MỚI - NÓNG