Con phố đau khổ
Con phố rất đẹp, mọc lên từ chợ 19-12, nối phố Hai Bà Trưng với phố Lý Thường Kiệt bỗng bị nhiều người gọi là phố “cấm đái bậy”. Tuy chỉ dài 200m, con phố này “cõng” hơn chục cái biển có ba chữ trên trên hai bức tường dọc phố. Ở Hà Nội, nơi nào xuất hiện biển cấm trên thì tại đó có rất nhiều người làm bậy.
Anh xe ôm đứng đầu đường bảo với tôi: “Trong vòng 10 phút mà không có người úp mặt vào tường thì tôi xin bỏ nghề luôn”.
Chỉ 30 giây sau, một người đàn ông phanh xe máy, nhảy xuống tè ngay vào luống hoa cúc bên đường. Phía đầu phố Hai Bà Trưng, hai người đàn ông khác cũng dừng ôtô, hồn nhiên “xả”. Trong khoảng 8 phút, tôi đếm được 5 người hồn nhiên tè ngay dưới tấm biển... “Cấm đái bậy”.
Một quý ông mặc veston thản nhiên “tưới” vào luống hoa cúc, trở thành người thứ 39 làm bậy. “Người thứ 40 sẽ là ai nhỉ?”. Tôi hỏi anh xe ôm. Anh xe ôm bảo: “Là tôi”.
Tôi đã cảm thấy choáng khi nhìn thấy những người đàn ông úp mặt vào bức tường trước cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trên con đường gốm sứ dài nhất thế giới vừa khánh thành vào dịp nghìn năm Thăng Long, khách đi đường thản nhiên xả nước thải vào những hoa sen, chim lạc... Thứ nước ấy cũng đã chảy xuống những gốc cây bên Hồ Gươm vào những đêm sáng đèn đường.
Bất cứ chỗ nào kín đáo trên phố, người ta đều có thể “giải quyết nỗi buồn”. Nếu không kín đáo thì một số người đã tự che chắn bằng cách dừng ôtô rồi “tè” ngay vào lốp xe.
Hệ lụy
“Bệnh” đái đường có sức tàn phá vượt xa hình dung của nhiều người. Một ngày nọ, cây đa trên phố Lò Đúc bỗng nhiên bật gốc. Bởi ngày nào cũng phải hứng chịu hàng trăm lượt người tè vào gốc rễ. “Cụ” đa đã chết một cách lãng xẹt.
Bức tường trên phố Nguyễn Trãi sau nhiều năm bị người đi đường “tưới” vào chân móng, đã ngã xuống vào một ngày không hề gió mưa. Cũng trên đường Nguyễn Trãi, một nhà chờ xe buýt cũng đã đổ sập vì nhiều năm liền phải hứng chịu những “cơn mưa bất chợt” từ những người đi đường.
Cột điện bằng sắt đầu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm đang như “ngọn nến trước gió” khi chân cột bị ăn mòn đến mức chỉ còn một lõi sắt bằng ngón tay.
Bên hồ Thuyền Quang, trên đường Trần Nhân Tông gần cổng vào nhà văn hoá học sinh, sinh viên, vào ban ngày vẫn có nhiều người tè bậy xuống hồ.
Nhà vệ sinh công cộng thành nơi... shopping
Những ai từng xả bậy đều “trần tình” rằng làm cái việc đó ở thành phố quả thật vạn bất đắc dĩ, khổ ải chứ chẳng xếp được vào “tứ khoái”.
Trên vườn hoa gần đường Lý Thánh Tông, một bác xe ôm sau khi đã “xả” vào gốc cây, lắc đầu bảo: “Làm người lịch sự cũng khó, ở đây không tìm đâu ra nhà vệ sinh công cộng (VSCC), nếu mà cứ nhịn mãi thì vỡ bàng quang mất”.
Đi dọc những con phố lớn như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, rất khó thấy bóng dáng của nhà VSCC.
Có những nhà VSCC được “ngụy trang” rất khéo khiến cho ai đó có nhu cầu cũng phải tìm đỏ mắt. Ở phố Hàng Bồ (cắt phố Hàng Đào, ở gần Bờ Hồ) trưng tấm biển “nhà vệ sinh cách 4m”. Nhưng khi theo biển chỉ dẫn tôi lại tưởng mình nhầm vì nhà VSCC đã biến thành nơi bày la liệt hàng hóa.
Thậm chí, có lần đi vào nhà VSCC ở khu vực Hoàn Kiếm, không có tiền lẻ thối lại cho khách, chị nhân viên đề nghị: “Hay là anh cho em que kem!?”. Thì ra nhà VSCC đã bị chị ta biến thành nơi bán kem Tràng Tiền và hàng tạp hóa.
Ở nhiều đô thị khác trong cả nước, số lượng nhà VSCC còn ít hơn. Chẳng ai ngờ Huế, thành phố du lịch mà chỉ có... 2 nhà VSCC.
Cả thành phố Vinh (Nghệ An) chỉ có một nhà VSCC nhưng do sát nhà tập thể cao tầng Quang Trung bị dân phản đối nên lại cho thuê bán hàng.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, có trên 100 nhà VSCC, nhưng phân bố không đều, chủ yếu tập trung vào quận 1 và quận 3, trong khi lại đang thừa sân golf.
Chuyện thiếu nhà VSCC đã từng được đưa vào cuộc họp HĐND của thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ.
Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã viết hẳn một bài lấy tên là “Bàn chuyện ỉa đái” để nói về cái nạn mà theo ông rất nên đưa ra bàn ở diễn đàn Quốc Hội bên cạnh những chuyện “vĩ mô” khác.
Ông nhắc lại tác phong của Bác Hồ lúc sinh thời, khi đến thăm dân thì một trong những việc đầu tiên là vào thăm cái bếp và cái nhà vệ sinh, vì đó là hai yếu tố liên quan “đầu vào”và “đầu ra”của đời sống. Và đó cũng là nơi mà “tư duy quan liêu” ít để tâm nhất.
Nếu như cái nhu cầu rất tối thiểu ấy, rất con người ấy của thị dân và khách vãng lai ở các thành phố không được đáp ứng thì sẽ ra sao?