Lãnh đạo một xã hội mà tầng lớp trung lưu phát triển là đáng mừng nhưng quan trọng nhất là tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng.
Hơn 6 triệu người thoát nghèo
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐ, TB&XH cho biết, nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo cả nước lên tới 14,2%, thì đến năm 2020, dự kiến chỉ còn 2,7%. “Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả”, ông Dung nói và thông tin thêm, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2019 đã giảm trên 58% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỉ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm). Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
“Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi”
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Theo người đứng đầu Chính phủ, sau hơn 30 năm, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Để kết quả giảm nghèo thật sự bền vững, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban ngành nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.
Nhấn mạnh “giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim”, Thủ tướng dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Chừng nào còn có người dân bị đói, rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi và chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này”. Từ đó, Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình”, với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn đảm nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Lãnh đạo một xã hội mà tầng lớp trung lưu phát triển là đáng mừng nhưng quan trọng nhất là tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.