Không có vụ bắt giữ con tin nào tại trường Pascal: Hai người bảo vệ già lĩnh án

Bị cáo Hà và Hồng tại phiên tòa
Bị cáo Hà và Hồng tại phiên tòa
TPO - Hai người bảo vệ già có hành vi cản trở, ném cát vào lực lượng cảnh sát đang cắt khóa cổng để giải cứu con tin trong trường Pascal đã bị tuyên phạt 6 tháng và 9 tháng tù cho hưởng án treo. Kết luận điều tra và cáo trạng truy tố đều cho thấy thực tế không có vụ bắt cóc tin nào xảy ra.
Ngày 25/12, TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại khu đất TH1, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm vào ngày 2/8 vừa qua.

Sau một ngày làm việc, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Hà (65 tuổi), nhân viên bảo vệ Công ty TDS Việt Nam mức án 6 tháng tù cho hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi), là bảo vệ và tạp vụ của Công ty TDS Việt Nam mức án 9 tháng tù cho hưởng án treo.

Không có vụ bắt cóc con tin

Theo cáo trạng, giữa bà Trần Kim Phương, chủ tịch HĐQT công ty TDS và bà Lê Thị Bích Dung, Phó giám đốc công ty TDS có xảy ra tranh chấp hợp đồng kinh tế liên quan đến việc mua bán cơ sở vật chất của trường Pascal tại lô TH1. Sau đó, bà Phương đã cho người hàn kín cổng số 1, số 2 phía bên trường Pascal chỉ để đi lại ại cổng số 3, số 4. Quá trình hoạt động, bà Phương thuê ông Hà và bà Hồng làm nhiệm vụ bảo vệ, tạp vụ tại khu đất TH1 để kiểm soát không cho người của trường Pascal mang tài sản ra ngoài…

Từ ngày 27/7/2019, do bảo vệ của bà Phương kiểm soát chặt chẽ việc ra vào, chỉ cho nhân viên Pascal vào lấy đồ dùng học tập, không cho người vào ở lại văn phòng nên chị Nguyễn Hồng Linh, anh Nguyễn Quý Hưng (là nhân viên trường Pascal) phải trực tại văn phòng để trông coi tài sản. Đến ngày 30/7, có thêm anh Nguyễn Văn Dũng (bảo vệ trường Pascal) vào ở tại căn phòng này.

Ngày 2/8, Công an phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm nhận được đơn tố giác của ông Lê Văn Vàng, ủy viên HĐQT trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal về việc một số nhân viên nhà trường bị giữ và hành hung tại văn phòng của trường Pascal ở lô đất TH 1.

Ngay sau đó, Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức lực lượng đến hiện trường, do không thuyết phục được bảo vệ mở cổng nên cảnh sát đã cắt khóa cổng số 1. Lúc này bà Hồng đang ở phía trong đã bốc cát ném vào lực lượng Công an. Ông Hà đến chửi bới không cho phá cổng, Công an đã trấn áp, bắt giữ và phát hiện trong túi ông Hà có một con dao trong túi quần. Bà Vũ Thị Liên và chị Nghiêm Nhật Anh (con gái bà Phương) dùng điện thoại quay lại vụ việc cũng bị cảnh sát trấn áp, bắt giữ.

Bà Hồng và ông Hà sau đó bị truy tố tội chống người thi hành công vụ, còn bà Liên và chị Nhật Anh bị xử phạt hành chính.

Cáo trạng của Viện KSND quận Bắc Từ Liêm thể hiện cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định hình ảnh đối với các file dữ liệu thu giữ do bà Phương, bà Dung và chị Linh giao nộp. Căn cứ vào kết luận của Viện khoa học hình sự, cũng như các bằng chứng thu thập được, cơ quan tố tụng xác định “chưa đủ căn cứ xác định bảo vệ của bà Phương có hành vi giữ người trái pháp luật”.

Đối với nội dung bà Phương tố cáo ông Lê Văn Vàng có hành vi vu khống, quá trình điều tra xác định do trước đó nhân viên của bà Phương có lời nói đe dọa đến tính mạng nhân viên trường Pascal nên khi nhận được tin nhắn trong Zalo, anh Vàng tố giác là cần thiết và có căn cứ nên không có dấu hiệu của tội vu khống.

Bị cáo nói công an không giải thích cắt khóa để giải cứu con tin

Tại tòa, bị cáo Hồng và Hà đều khẳng định không nhận được thông báo về việc Công an đến giải cứu con tin. Hai bị cáo khai thấy nhiều người không mặc cảnh phục muốn cắt phá cổng số 1 nên có hành vi ngăn cản ném cát.

“Khi tôi ra đã thấy họ đang cắt cổng. Tôi không thấy có thông báo giải cứu con tin, chúng tôi có bắt giữ con tin đâu mà giải cứu. Tôi thấy toàn người mặc quần áo dân sự cắt cổng nên ngăn cản”, bà Hồng khai. Cùng lời khai không được thông báo việc giải cứu con tin, bị cáo Hà cho biết thêm đang gọt mướp thì nghe tiếng ầm ĩ nên tiện tay đút con dao vào túi chạy ra… "nếu biết là công an làm nhiệm vụ thì tôi đã không dám" - bị cáo trình bày.

Quá trình bào chữa cho các bị cáo, luật sư Phan Thị Kim Tiến (Văn phòng luật sư A&A Phan Tiến) cho rằng qua video do nhân chứng cung cấp và lời khai của bị cáo thì những người trèo qua tường, phá cổng số 1 là người mặc thường phục và trang phục lực lượng PCCC nên hai bị cáo có nguồn gốc từ nông dân không nhận biết được đó là người thi hành công vụ.

Cáo trạng thể hiện nội dung cảnh sát đã thuyết phục bảo vệ mở cổng để lực lượng vào làm nhiệm vụ song luật sư Tiến cho rằng cảnh sát không giải thích họ đang làm nhiệm vụ giải cứu con tin là có phần lỗi của cảnh sát và việc yêu cầu bảo vệ mở cánh cổng đã bị hàn chặt là bất khả thi. Trả lời câu hỏi của luật sư, một số nhân chứng là cảnh sát tham gia trực tiếp xử lý vụ việc sáng 2/8 cho biết họ mặc thường phục hoặc mặc sắc phục PCCC.

Cảnh sát trèo tường vào trong được sao phải mất thời gian phá cổng?

Bà Trần Thị Kim Phương và một số nhân chứng được triệu tập tới tòa đều khẳng định người của trường Pascal nhiều lần thực hiện cắt khóa cổng số 1 nhưng bất thành và hai bên đã từng ném cát vào nhau trước sự chứng kiến của công an. Bà Phương đưa bằng chứng hình ảnh về lời nói của mình và cho rằng hành vi của bà Hồng xuất phát do không phân biệt được cảnh sát làm nhiệm vụ. Ngoài ra, bà Phương cũng khẳng định không nhận được thông báo từ phía Công an quận về việc giải cứu con tin mặc dù bà là chủ lô đất – nơi xảy ra sự việc.

Tại phần trình bày của mình, chị Nghiêm Nhật Anh khẳng định chị vào hiện trường theo lối cổng số 3 và cổng này không khóa, đi ngay sau chị là một số cán bộ cảnh sát. “Nếu mục tiêu là giải cứu con tin tại sao cảnh sát vẫn tiếp tục phá cổng thêm 20 phút sau khi đã khống chế, bắt giữ chúng tôi?” – Nghiêm Nhật Anh đặt câu hỏi.

Theo yêu cầu của HĐXX, thư ký phiên tòa đã chiếu lại đoạn video ghi cảnh bà Hồng đứng bên trong cổng sắt, bốc cát ném cát vào lực lượng đang làm nhiệm vụ cắt khóa cổng số 1. Sau đó một số người mặc thường phục đã trèo qua tường vào bên trong khống chế, bắt giữ bà Hồng và những người có hành vi chống đối… Sau khi xem video, luật sư và một số nhân chứng đều đặt vấn đề tại sao cảnh sát trèo được tường vào trong sao còn phải mất thời gian phá cổng trong khi mục tiêu giải cứu con là cấp thiết?

Ngoài ra, luật sư cũng nêu câu hỏi cho ba nhân chứng là cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ cắt cổng số 1 hôm 2/8: “Sao các anh không chọn cổng khóa để cắt mà lại chọn cổng đã bị hàn chặt để phá, mất nhiều thời gian hơn?” – Các nhân chứng trả lời thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên.

Tại phiên tòa, luật sư Phan Thị Kim Tiến và Nguyễn Đức Chính đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những mâu thuẫn về thời gian và tình tiết khác của vụ án nhưng không được HĐXX chấp nhận. Sau một ngày làm việc, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Hà mức án 6 tháng tù cho hưởng án treo và 9 tháng tù cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Thị Hồng.

Trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó đội trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết tại thời điểm lực lượng cảnh sát có mặt tại hiện trường thì cả 4 cổng của lô TH1 đều khóa và cổng số 1, 2 hàn kín. Lý do tại sao cắt khóa cổng số 1 vì cổng này thuộc nửa bên trường Pascal – nơi có tin báo có vụ giữ và hành hung nhân viên tại văn phòng trường này. Ông Dũng khẳng định CQĐT tiếp nhận tin báo, xử lý khách quan đúng quy định pháp luật chứ “không có chuyện dàn dựng”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.