Thưa ông, bà con tiểu thương chợ Thành Công đang rất lo lắng khi doanh nghiệp mang máy khoan tới chợ, vì sao lại có việc này?
Ông Đỗ Viết Bình: Chủ trương xây dựng lại chợ Thành Công và chợ Châu Long (trên địa bàn quận Ba Đình) đã được UBND TP Hà Nội thông qua từ năm 2007 theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP và theo hướng dẫn của các sở, ngành, UBND quận Ba Đình đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào thực hiện dự án có sử dụng đất theo đúng trình tự pháp luật từ năm 2012.
Từ đó tới nay, nhà đầu tư đã triển khai các bước tiếp theo của quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng lại chợ Thành Công. Theo quy định hiện hành, muốn được cấp Giấy phép đầu tư và phê duyệt thiết kế cơ sở, dự án bắt buộc phải có kết quả khoan khảo sát địa chất. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đưa thiết bị vào khoan khảo sát thì một số hộ kinh doanh phản ứng, ngăn không cho thực hiện nên nhà đầu tư chưa làm được bước này.
Người dân thắc mắc, ở đâu cũng xây trung tâm thương mại, vậy chợ dân sinh sẽ không còn nữa?
Ngay từ đầu, chúng tôi luôn ý thức được rằng, dù yêu cầu chỉnh trang đô thị, xây dựng văn minh thương mại rất bức thiết nhưng chợ dân sinh trên địa bàn là không thể thiếu.
Thành Công là một phường lớn, đông dân với nhiều khu chung cư nên nhu cầu chợ dân sinh rất quan trọng. Do đó, trong tên gọi của dự án, yếu tố “chợ” đã được đặt lên trước (Dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại Thành Công).
Tôi khẳng định không có chuyện xóa bỏ chợ Thành Công mà ngược lại chợ sẽ được cải tạo theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh của người dân. Chắc chắn, sau cải tạo, chợ sẽ khang trang, rộng rãi, sạch sẽ hơn, bố trí được nhiều hộ kinh doanh và ngành hàng hơn hiện nay.
Chợ Thành Công hiện đã xập xệ, xuống cấp. Ảnh: NGUYỄN LONG
Có ý kiến nói người dân không được thông báo công khai nên họ bất ngờ trước thông tin cải tạo lại chợ?
Tôi muốn nói rõ là chủ trương cải tạo chợ Thành Công không chỉ xuất phát từ yêu cầu chỉnh trang đô thị hay xây dựng văn minh thương mại mà còn từ kiến nghị của cử tri phường Thành Công tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri. Đây là đề nghị chính đáng bởi chợ đã ở trong tình trạng xập xệ xuống cấp từ nhiều năm nay.
Chủ trương này cũng đã được thông báo tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Ban quản lý chợ Thành Công cũng đã họp các hộ kinh doanh để thông tin về việc này.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND quận Ba Đình sẽ tiếp thu ý kiến của các hộ kinh doanh như thế nào?
Một số ý kiến thắc mắc vì sao dự án chưa được công khai. Tôi xin trả lời, đó là vì dự án còn đang chuẩn bị đầu tư, chưa được phê duyệt. Trong trường hợp dự án được UBND TP phê duyệt, cho phép thực hiện các bước tiếp theo thì quận mới đủ dữ liệu để công bố rộng rãi các thông tin liên quan theo quy định của pháp luật. Tất cả khi đó hoàn toàn công khai, minh bạch, không có gì phải giấu giếm.
Một số dự án chợ truyền thống kết hợp trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội hoạt động không hiệu quả, quận có tính tới khả năng tương tự xảy ra với dự án xây dựng lại chợ Thành Công?
Đúng là có thực tế như vậy. Chúng tôi đã tới các dự án cải tạo chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam tìm hiểu xem vì sao mô hình đó chưa hiệu quả để rút kinh nghiệm và nghiên cứu giải pháp.
Hiện nay, dự án còn đang trong quá trình chuẩn bị nhưng UBND quận có thể cam kết, việc cải tạo lại chợ Thành Công sẽ được thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Quận sẽ tham gia vào quá trình đó để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân sau này.
Theo Tiến Phúc