Không có chuyện trả thù, trả đũa (!?)

Không có chuyện trả thù, trả đũa (!?)
TP - PV Tiền phong đã gặp gỡ những người có trách nhiệm tại Quảng Trị để tìm hiểu vì sao sự kiện Vĩnh Thành lại bị kéo dài từ bấy đến nay vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Những người mà PV tiếp xúc đều bày tỏ quan điểm rằng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để kết thúc vụ này nhằm ổn định tư tưởng cũng như đời sống của nhân dân trong xã, rằng việc chỉ đạo đó khá toàn diện, phối hợp nhiều tổ chức, trên nhiều kênh. Thế nhưng nó bị tắc ở một mắt xích nào đó trong hệ thống. Đó là mắt xích nào?

Không có chuyện trả thù, trả đũa (!?) ảnh 1
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh (phải): Cuộc sống của bốn gia đình người tố cáo đã trở lại bình thường(!?)

Trong cuộc trao đổi với Tiền Phong ngày 18/4/2008, ba tháng sau khi có Công điện 61 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng (TƯ PCTN), ông Lê Đức Yên, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh đã cam kết trong tháng 4/2008, sẽ xử lý xong số cán bộ vi phạm.

Nhưng, trên thực tế, phải đến tháng 6/2008, vụ việc mới được xử lý. Cũng trong cuộc trao đổi này, ông Yên cho rằng, việc xử lý của huyện là không chậm. Còn Công điện 61 là trung ương chỉ đạo tỉnh. Rồi từ đó tỉnh chỉ đạo huyện, chứ công điện không chỉ đạo trực tiếp huyện.

Không có chuyện trả thù, trả đũa (!?) ảnh 2Thoạt tưởng, sự việc có thể liên tưởng là trù dập, nhưng về bản chất là không phải như vậy. Những chuyện đó có thật, nhưng nói trả thù trả đũa thì không.Không có chuyện trả thù, trả đũa (!?) ảnh 3 

Ông Hoàng Đức Thắng, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh

Sáng 2/7/2009, chúng tôi tìm đến Công an Huyện Vĩnh Linh, cơ quan trực tiếp xử lý những vụ việc tại Vĩnh Thành. Thượng tá Trần Phú Phiến, Phó Trưởng Công an Huyện Vĩnh Linh, sau một hồi đề cập về việc cần thông tin sự việc nhiều chiều, nhận xét:

“Các đoàn của tỉnh, của T.Ư về thanh tra, kiểm tra ở Vĩnh Thành đây, trả lời nó cũng có những chuyện. Ngay đoàn của anh Giang (ông Ngô Sỹ Giang, Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ PCTN-PV) thanh tra của T.Ư, của Chính phủ về chống tham nhũng, khi chất vấn các đối tượng khiếu kiện thì anh Giang đã nói cụ thể tại hội trường rồi. 

"Nhưng sau khi ra T.Ư, có bản kết luận về, thì có nhiều điểm không đồng nhất với những ý kiến anh phát biểu tại hội trường nên đâm ra có phức tạp thêm.

"Hay với Đoàn ĐBQH của anh Châu (ông Phạm Đức Châu, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị-PV), anh Châu đề nghị xã phải mắc điện ngay cho anh Vinh (ông Nguyễn Văn Vinh, một trong bốn nông dân chống tham nhũng ở xã Vĩnh Thành - PV), trong khi đó nơi quản lý điện là HTX, nên xã không có quyền bắt HTX mắc điện.

"Cho nên từ đó được nời  (được nước) cho mấy anh kiện. Họ cho là chính quyền không thực hiện ý kiến của Quốc hội, của T.Ư. Tôi nói phức tạp là ở chỗ đó”.

Cũng trong ngày 2/7, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Thắng, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh, cũng với nội dung làm sao để ổn định tình hình Vĩnh Thành càng sớm càng tốt. Quan điểm của ông Thắng là, những vụ việc như dùng dao chém, xả nước hồ cá... đã được làm rõ và có kết luận rồi.

Thoạt tưởng, sự việc có thể liên tưởng là trù dập, nhưng về bản chất là không phải như vậy. Công an viên đánh nhau cũng là chuyện trong bàn nhậu, rồi chuyện tháo nước hồ cá thì CA cũng đã làm rõ.

Những cái đó xâu chuỗi lại thì người ta có cảm giác như trả thù. Còn việc rải truyền đơn thì CA  làm nhưng sau đó quá thời hạn theo luật định, nên hủy... Những chuyện đó có thật, nhưng nói trả thù trả đũa thì không.

Còn vụ việc ở Vĩnh Thành, sai phạm về kinh tế thì đã xử lý về kinh tế. Cán bộ đảng viên sai phạm thì đã xử lý. Có phát hiện tiêu cực theo chỉ đạo của T.Ư.

Cuộc sống bốn gia đình đó đã trở lại bình thường. Về việc cắt điện, tóm lại, mỗi bên nhịn nhau một tý, không cố chấp thì không xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy.

Còn vụ xảy ra ngày 26/6 (ông Nguyễn Văn Vinh bị đánh-Tiền Phong số 184, ngày 3/7/2009 thông tin), tôi cũng nghe anh em báo cáo như thế thì biết như thế vì lúc ấy tôi đang ở Phú Yên”.

Rồi ông Thắng kết luận: “Vụ ở Vĩnh Thành không phải là tham nhũng mà là sai phạm. Những sai phạm đó đã xử lý rồi. Số tiền ấy đã được thu hồi. Tiền ấy không biển thủ cá nhân mà mua sắm trang thiết bị cho tập thể”.

Trước đó, chiều 30/6, PV có cuộc làm việc với ông Hoàng Phước Quỳnh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống Tham nhũng Tỉnh Quảng Trị.

Không có chuyện trả thù, trả đũa (!?) ảnh 4 Cần có biện pháp bảo vệ những người dũng cảm chống tham nhũng. Thực tế ở xã Vĩnh Thành chưa làm được việc này. Sự trả thù đã xảy ra nhưng địa phương bất lực.Không có chuyện trả thù, trả đũa (!?) ảnh 5

Ông Phạm Vĩnh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Tỉnh Quảng Trị

Ông Quỳnh cho hay: "Sau khi đọc Báo Tiền Phong số ra ngày hôm qua (29/6), chúng tôi đã cử anh Khổng Chiến Thắng (bên công an biệt phái sang), phụ trách mảng khiếu nại-tố cáo, về Vĩnh Thành để tìm hiểu vụ việc. Án tại hồ sơ, chưa có báo cáo kết luận nên chúng tôi chưa trả lời các anh được.

"Bốn nông dân này, năm 2008 được khen thưởng về thành tích chống tham nhũng do chủ tịch huyện ký. Vì vậy những người dũng cảm chống tham nhũng này cần phải được bảo vệ, chứ không thể để kiểu như vậy được."

Sáng 3/7, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phạm Vĩnh- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Tỉnh Quảng Trị, để hỏi xem vai trò của tổ chức mặt trận trong việc bình ổn tình hình Vĩnh Thành.

Ông Vĩnh thẳng thắn: “Vụ ở Vĩnh Thành, quan điểm của tôi là phải làm đúng theo sự giám sát của các cơ quan chức năng. Tức là xử lý nghiêm những người vi phạm, không để vụ việc kéo dài. Quan điểm của các cơ quan chức năng của tỉnh là vậy.

"Cần có biện pháp bảo vệ những người dũng cảm chống tham nhũng. Nhưng, thực tế ở xã Vĩnh Thành chưa làm được việc này. Sự trả thù đã xảy ra nhưng địa phương bất lực.

"Cả xã hội đang khuyến khích nêu gương những người tham gia chống tham nhũng, đang tập trung vào mặt trận chống tham nhũng mà ở Vĩnh Thành lại lùng xùng chuyện này là không được rồi.  Người chống tham nhũng chưa được bảo vệ.

"Chẳng hạn như vụ cắt điện nhà anh Vinh. Không phải tôi nói đâu mà tại cuộc tiếp dân hằng tháng, ông Phúc (Lê Hữu Phúc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị - PV) lúc ấy là Chủ tịch UBND Tỉnh tức khắc yêu cầu ông Hùng-Phó GĐ Điện lực Quảng Trị cử một đội điện đến mắc điện lại cho nhà anh Vinh.

"Nhưng về xã lại lằng nhằng không chịu mắc điện cho dân. Thế mới lạ chứ. Tôi thấy vụ việc kéo dài là do cơ sở thế nào ấy."

"Còn chuyện yêu cầu ông Vinh phải viết đơn tờ như thế mới cho mắc lại điện, tôi thấy yêu cầu đó không phải lối, một sự máy móc làm khó dân, là ép ông Vinh."

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG